MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng, Hà Nội kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy của quán karaoke. Ảnh: Đ.Thành

Đến lúc thay đổi tiêu chí, tiêu chuẩn cấp phép quán karaoke, bar, vũ trường

Q.Việt - P.Đông LDO | 09/09/2022 15:13
Vừa qua ở một số tỉnh thành xảy ra cháy quán karaoke, vũ trường gây thiệt hại lớn về người, tài sản, đặt ra vấn đề cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, cũng như việc chấp hành đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Xác định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh, cơ quan quản lý

Qua các vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội, Bình Dương... vừa qua, một trong những vấn đề dư luận quan tâm, bên cạnh các sự cố khách quan, chủ quan vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy của các cơ sở kinh doanh này, có hay không sự buông lỏng trong công tác quản lý, cấp giấy phép về an toàn cháy nổ.

Thực tế, Thông tư 147/2020 của Bộ Công an hướng dẫn Nghị định số 136 ngày 24.11.2020 của Chính phủ quy định chi tiết về các điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy ở các quán karaoke, vũ trường.

Trong đó, tại khoản 3, Điều 6 và điểm b và d của Thông tư 147 có quy định cụ thể một trong các yếu tố đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở kinh doanh quán karaoke, bar, vũ trường.

Cụ thể, điểm b quy định, mỗi tầng của nhà phải có ít nhất 2 lối thoát nạn. Các gian phòng có diện tích lớn hơn 50 m2 phải có ít nhất 2 lối thoát nạn. Cho phép mỗi tầng có 1 lối thoát nạn khi số lượng người có mặt đồng thời trên tầng không quá 20 người và khi lối thoát nạn đi vào buồng thang bộ không nhiễm khói có cửa đi ngăn cháy...

Ngoài ra, điểm d cũng quy định đối với thang bộ dùng để thoát nạn có thể là loại 1, loại 2, loại 3, buồng thang không nhiễm khói loại N1, N2, N3.

Khi cơ sở kinh doanh đảm bảo điều kiện về thiết kế đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy thì cơ quan có thẩm quyền mới xem xét cấp giấy phép đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, là một trong những điều kiện để cơ sở kinh doanh karaoke đi vào hoạt động.

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư Hà Nội nhìn nhận, việc phòng cháy chữa cháy phải được thực hiện từ việc thiết kế kiến trúc của công trình có nguy cơ cháy nổ. Việc thiết kế phải tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Pháp luật quy định là sau khi thiết kế thì việc thi công phải đảm bảo đúng thiết kế và có sự kiểm tra, giám sát, nghiệm thu của cơ quan chức năng. Đối chiếu với các quy định của pháp luật về điều kiện thiết kế phòng cháy chữa cháy, cơ quan chức năng nghiệm thu phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về các tiêu chí, tiêu chuẩn.

Ông Cường cho rằng, việc nghiệm thu qua loa, bỏ lọt các công trình không đảm bảo điều kiện phòng cháy, chữa cháy đi vào hoạt động dẫn đến cháy nổ, hậu quả nghiêm trọng xảy ra thì cần truy trách nhiệm đối với đơn vị cấp phép.

“Từ các quy định trên, để xác định trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép đúng hay chưa đúng, cũng như trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, khi xảy ra hoả hoạn, từ đó để có hướng xử lý các bên”, luật sư Cường cho biết.

Một trong các lỗi vi phạm về phòng cháy chữa cháy của quán karaoke được lực lượng chỉ ra. Ảnh: Đ.Thành

Thay đổi tư duy trong việc cấp phép đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy

Trên thực tế, khi kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm. Chỉ trong một đêm (từ đêm 7, rạng sáng 8.9) kiểm tra, Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện 50 cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm phòng cháy, chữa cháy. 

Tại Hà Nội, chiều 8.9, đoàn liên ngành của quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng có buổi kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke. Lực lượng chức năng phát hiện nhiều lỗi vi phạm ở lối thoát hiểm, cầu thang thoát hiểm vi phạm xây dựng, cầu thang thoát hiểm thứ 2 vi phạm trật tự xây dựng (đang được chủ cơ sở khắc phục”.

Địa bàn quận Hai Bà Trưng có 25 cơ sở kinh doanh karaoke. Từ giữa tháng 8 đến nay, lực lượng liên ngành đã kiểm tra 16/25 cơ sở.

Ngoài việc “nhìn chung” các cơ sở đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, lực lượng chức năng xác định, một số cơ sở tồn tại vấn đề về diện tích phòng hát, lối thoát nạn thứ hai vi phạm trật tự xây dựng.

Trong khi đó, thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an Hà Nội, hiện thành phố có 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke. Trong đó, có 58% cơ sở không đạt yêu cầu về công tác an toàn phòng cháy chữa cháy.

Trong số này có 425 cơ sở có khả năng khắc phục nhưng chưa thực hiện nên đã bị xử lý vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trên văn bản kiểm tra. Cho chủ cơ sở tự khắc phục vi phạm và thông báo cho cơ quan chức năng khi khắc phục xong. 

326 cơ sở không đạt yêu cầu về công tác phòng cháy chữa cháy nhưng không có khả năng khắc phục. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ 100% các cơ sở này. 

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND TP.Hà Nội, Công an TP đã thực hiện kiểm tra 100% các quán karaoke, giám sát chặt các cơ sở đang bị đình chỉ hoạt động. Từ giữa tháng 8 đến nay, đã tạm đình chỉ thêm 27 cơ sở, phạt 1 tỉ đồng.

Trong đợt cao điểm kiểm tra cơ sở kinh doanh karaoke sẽ kết thúc vào ngày 20.9, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an Hà Nội sẽ tổng hợp, rà soát các cơ sở vi phạm mà chưa khắc phục, gửi danh sách cho cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải công khai để mỗi người dân cùng giám sát với cơ quan chức năng. 

Qua các vụ cháy có thiệt hại lớn về người, tài sản vừa qua, ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần thay đổi tư duy trong việc cấp phép đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy.

Cụ thể, không nên quá tập trung, chú trọng vào việc trang bị các công cụ hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy đáp ứng đủ điều kiện mà cơ bản phải đề cao việc có lối thoát hiểm bảo đảm an toàn, thuận tiện khi có sự cố cháy, nổ...

Phải có quy định về vật liệu xây dựng, trang trí đối với các cơ sở kinh doanh quán bar, karaoke, vũ trường, nhất là hạn chế việc sử dụng các vật liệu dễ cháy, nổ như gỗ, nệm, mút, vải, giấy...

Đặc biệt cần cấm các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường sử dụng lửa, xăng dầu hoặc tạo ra các tia lửa điện trong các trò chơi mạo hiểm, tạo lửa khói... có thể xảy ra cháy, nổ.

Tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh công tác phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở kinh doanh karaoke.

Đối với cá nhân, tổ chức có dấu hiệu bảo kê, bao che hoặc dung túng phải xử lý nghiêm theo pháp luật... không chờ xảy ra hậu quả mới vào cuộc xử lý - ông Hạ nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn