MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cây lan "đột biến" được hét giá rất cao. Ảnh: CTV

Đến năm 2023 phải minh bạch thông tin về nguồn gốc lan đột biến

Phong Nguyễn LDO | 17/04/2021 09:11

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Theo ông Cường, Luật Trồng trọt và Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13.12.2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác tập trung quản lý chặt với các loài cây trồng chính bao gồm: Lúa, ngô, càphê, cam, bưởi, chuối; không áp dụng với lan đột biến.

Không áp dụng công bố nguồn gốc

Chiều 16.4, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NNPTNT) - cho biết, theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13.12.2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác tập trung, thì: Trước khi buôn bán giống cây trồng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Sở NNPTNT nơi buôn bán giống cây trồng các thông tin sau: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở NNPTNT.

Đặc biệt, tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, gồm: Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn phù hợp quy định tại Điều 10 Nghị định 94.

“Tổ chức, cá nhân buôn bán cây trồng tự công bố lưu hành và chịu trách nhiệm về công bố của mình” - ông Nguyễn Như Cường nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Như Cường, Luật Trồng trọt và Nghị định 94/2019/NĐ-CP tập trung quản lý chặt với các loài cây trồng chính bao gồm: Lúa, ngô, càphê, cam, bưởi, chuối… bởi đây là những giống cây trồng có tác động rất lớn đến kinh tế. “Quy định này đặc biệt chú trọng đối với lúa, ngô bởi liên quan đến vấn đề an ninh lương thực, an sinh xã hội, nếu không quản lý sẽ có tác động rất lớn” - ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Như Cường, các loại cây trồng lúa, ngô, càphê, cam, bưởi, chuối được quản lý chặt theo Luật Trồng trọt và Nghị định 94/2019-NĐ-CP bởi các loại cây này tác động đến xã hội của quốc gia. Muốn được lưu hành 6 loại này phải thông qua khảo nghiệm.

“Đối với loại không phải là cây trồng chính bao gồm các loại hoa, trong đó có hoa lan, hoa lan đột biến… thì tổ chức cá nhân muốn lưu hành, buôn bán phải thực hiện tự công bố lưu hành theo quy định của Luật Trồng trọt, Nghị định 94 và tự chịu trách nhiệm với những thông tin mà họ công bố. Nếu buôn bán mà không phù hợp với thông tin đã công bố thì sẽ bị xử phạt” - ông Nguyễn Như Cường thông tin, đồng thời nhấn mạnh thêm: Theo Nghị định 94, tại khoản 3 Điều 16, quy định: Giống cây trồng đã có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành nhưng không có Quyết định công nhận giống cây trồng mới, được tiếp tục sản xuất kinh doanh đến hết ngày 31.12.2022.

Có điều chỉnh, bổ sung chế tài để ngăn chặn?

Về vấn đề khi soạn thảo Nghị định 94 trình Thủ tướng ký, thời điểm đó chưa nảy sinh vấn đề lan đột biến. Vậy, từ nay đến ngày 1.1.2023 khi quy định về giao dịch cây trồng được quy định lại, là quãng thời gian rất dài, việc buôn bán lan đột biến sẽ gây xáo trộn thị trường, thậm chí khiến nhiều người mất hết gia sản, liệu Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNT có động thái đề xuất để rút ngắn thời gian điều chỉnh, ông Nguyễn Như Cường khẳng định: Hoàn toàn không có chuyện đó.

“Tuy nhiên, luật bao giờ cũng có giai đoạn chuyển tiếp. Theo quy định tại khoản 3, Điều 16 Nghị định 94 thì các giống hoa và cây cảnh, trừ các loài thuộc danh mục hoang dã trong Công ước Cites, đã được đưa vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh theo Quyết định số 40 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT được tiếp tục sản xuất kinh doanh đến hết ngày 31.12.2022 mà không cần phải làm thủ tục tự công bố theo quy định của Luật Trồng trọt và Nghị định 94 của Chính phủ” - ông Nguyễn Như Cường thông tin.

Ông Nguyễn Như Cường cho rằng, hoa lan nói chung và hoa lan đột biến nói riêng đến thời điểm này lưu thông trên thị trường là phù hợp theo quy định của pháp luật. Theo đó, không cần phải điều chỉnh quy định bởi cây lan, hoa lan không tác động đến giá trị kinh tế, xã hội như cây lúa, cây ngô và nhiều loại cây công nghiệp khác. Hơn nữa, việc nghiên cứu, tác động, cho ra đời loại cây đột biến gene là hết sức bình thường hiện nay.

"Nguồn gốc cây lan đột biến là do những trường hợp đột biến tự nhiên hoặc nghiên cứu của con người trong phòng thí nghiệm mà ra kiểu này, kiểu kia (cả tốt và không tốt), kể cả lúa cũng có phương pháp chọn giống. Việc này là bình thường cả trên thế giới và cả Việt Nam. Ở Việt Nam nhiều giống lúa đột biến cũng đã được cho ra đời và chọn lọc" - ông Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo quy định, từ ngày 1.1.2023, bắt buộc phải công bố nếu không công bố lưu hành một cách minh bạch, ví như ai là tác giả, nguồn gốc giống, giá trị canh tác, giá trị sử dụng như thế nào… là vi phạm và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Hiện tại trong giai đoạn chuyển tiếp, thì việc lưu thông lan đột biến là hoàn toàn theo nhu cầu thị trường. “Mọi hoạt động trồng, kinh doanh giống cây trồng đều thực hiện theo Nghị định 94 và đây là luật, không thể tùy tiện. Còn việc giá lan hiện nay phải để thị trường quyết định, Cục Trồng trọt không quản lý về giá. Những giao dịch mua bán lan đột biến trong thời gian qua đều mang tính chất dân sự kiểu thuận mua vừa bán, cơ quan quản lý Nhà nước không thể áp đặt, quy định” - ông Nguyễn Như Cường nêu rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn