MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ông đồ cho chữ đầu xuân Quý Mão tại Hội chữ xuân 2023, tổ chức tại Hồ Văn - (Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Ảnh: T.Vương

Đến phố ông đồ, xin chữ gì đầu năm Quý Mão?

Vương Trần LDO | 23/01/2023 10:27

Hà Nội - Xuân Quý Mão, những ông đồ lại có dịp được tái ngộ, cùng tham gia cho chữ tại Hội chữ xuân (tổ chức tại Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội) với chủ đề "Sư đạo tôn nghiêm".

Đến với thư pháp như một cái duyên và sự yêu thích, ông đồ Nguyễn Đăng Lai - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) thư pháp Hán-Nôm Quang Trung cho biết đối với bộ môn thư pháp phải có sự kiên nhẫn, đam mê. Để viết thư pháp đẹp còn cần cả một quá trình học tập, dùi mài, rèn luyện. Và mỗi dịp Tết đến, xuân về những ông đồ lại được dịp cùng nhau hội ngộ, tham gia cho chữ đầu xuân.

Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, do dịch bệnh COVID-19, hoạt động này đã phải tạm ngừng khiến nhiều người hoài tưởng về những phố ông đồ với “mực tàu, giấy đỏ”. Năm nay, hoạt động hội chữ xuân được tổ chức trở lại, quy tụ ông đồ 3 miền đất nước tham gia. 

“Chúng tôi rất phấn khởi, tự hào khi được quay trở lại Hội chữ xuân Quý Mão. Được trở lại hội chữ xuân, chúng tôi mừng lắm. Đây là một nét đẹp văn hoá của dân tộc Việt Nam chúng ta mỗi dịp Tết đến, xuân về. Chúng tôi mong rằng hoạt động này được phát huy cao hơn nữa để nghệ thuật thư pháp lan toả nhiều hơn tới mọi người” - Phó Chủ nhiệm CLB thư pháp Hán - Nôm Quang Trung chia sẻ.

Ông đồ Nguyễn Đăng Lai - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) thư pháp Hán-Nôm Quang Trung. Ảnh: T.Vương

Theo ông Lai, ở nhiều nước trong khu vực, hoạt động thư pháp được phổ biến ở nhiều dịp lễ hội, lễ trọng của đất nước họ. Do vậy, để bảo tồn và phát huy nghệ thuật thư pháp ở nước ta có thể học tập một số kinh nghiệm từ các nước bạn. Cần có nhiều hoạt động để nghệ thuật thư pháp thực sự có sức hút trong đời sống hàng ngày, ở các dịp lễ hội khác nhau.

Ông đồ này cho biết, mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhiều người khi du xuân thường xin chữ theo ý tưởng của từng người. Song với những “thầy đồ” viết chữ sẽ tư vấn xin chữ gì cho phù hợp. Tuỳ theo đối tượng, lứa tuổi, chủ đề, những “thầy đồ” sẽ tư vấn để cho chữ phù hợp.

“Dịp Xuân về, những chữ được nhiều người xin viết đó là những chữ như: Phúc, Đức, An khang thịnh vượng, bình an… những chữ về ước nguyện, ước vọng của mọi người với một năm mới an lành, hạnh phúc thường được mọi người nhắc tới hướng tới một cuộc sống hài hoà, bình an, hạnh phúc. Việc xin chữ gì còn phụ thuộc vào từng đối tượng khác nhau như trẻ em, học sinh, người trung niên, cao niên. Ví dụ như học sinh hay xin chữ liên quan tới thi cử đỗ đạt, công thành danh toại, những người làm công việc buôn bán, kinh doanh thì thường xin các chữ liên quan tới phát tài, phát lộc…” - ông Lai chia sẻ.

Hình ảnh ông đồ bày "mực tàu giấy đỏ" cho chữ đầu xuân tại Hội chữ xuân 2023. Ảnh: T.Vương

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám - cho biết, Hội chữ Xuân Quý Mão thu hút sự tham gia viết chữ và cho chữ của 50 ông đồ đến từ các Câu lạc bộ thư pháp trên cả 3 miền.

Các ông đồ đã được khảo tuyển kỹ lưỡng từ năm 2021 nhưng do tình hình dịch bệnh, Hội chữ Xuân năm đó không tổ chức được, nên được bảo lưu kết quả đến Hội chữ Xuân năm 2023. Trong đó có nhiều tên tuổi trong làng thư pháp Việt.

 Hội chữ Xuân Quý Mão có sự tham gia của 50 ông đồ. Ảnh: T.Vương

Ông Lê Trung Kiên - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 thông tin, chủ đề Hội chữ xuân Quý Mão 2023 là “Sư đạo tôn nghiêm” với ý nghĩa: Đạo của người thầy được tôn nghiêm thì đạo học, tri thức mới được quý trọng, sự học được tốt đẹp.

Ông đồ Tây Jean Sébastien Grill cho chữ tại Hội chữ xuân Quý Mão. Ảnh: T.Vương

“Chủ đề này với mong muốn tri ân đến nhiều thế hệ những người thầy mẫu mực của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử cho đến nay, bên cạnh đó, cũng thông điệp gửi tới các bạn trẻ biết quý trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông, trong đó có truyền thống tôn sư trọng đạo” - ông Kiên nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn