MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường và vỉa hè làm nơi kinh doanh vẫn diễn ra phổ biến ở nội thành Hà Nội. Ảnh: Phạm Đông

Dẹp lấn chiếm vỉa hè: Phạt răn đe, quy trách nhiệm hiệu quả hơn "ra quân"

PHẠM ĐÔNG LDO | 05/03/2023 12:25

Nhiều năm qua, Hà Nội đã loay hoay với bài toán dẹp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Tình trạng lấn chiếm hè phố vẫn diễn ra tràn lan, có nơi khi vắng bóng lực lượng công an thì vỉa hè lập tức tái phạm.

Làm đến đâu dứt điểm đến đó

Chưa khi nào câu chuyện lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè tại Hà Nội lại được quan tâm như hiện nay. Bởi lẽ, nhiều tuyến đường đã bị lấn chiếm hết vỉa hè, người đi bộ phải vất vả chen chân xuống lòng đường, phương tiện dừng đỗ tràn lan gây ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị.

Theo kế hoạch, trong tháng 3, lực lượng chức năng sẽ tháo dỡ biển quảng cáo, mái che lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở tất cả quận huyện, trường hợp chống đối sẽ bị cưỡng chế.

Dù lực lượng chức năng ra quân xử lý những vi phạm nhưng vắng bóng công an, vỉa hè ở Hà Nội lập tức "thất thủ". Nhiều người dân cũng đặt câu hỏi, liệu đợt ra quân này có đem lại hiệu quả lâu dài, thiết thực hay sẽ lại thêm một lần “ném đá ao bèo”?.

Bởi lẽ 6 năm trước, tháng 2.2017 Hà Nội tổ chức đợt lập lại trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Việc triển khai rầm rộ trong nửa năm, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, sau đó nhiều quận huyện không duy trì được, tình trạng lấn chiếm vỉa hè bán hàng, trông giữ phương tiện tái diễn.

Bên cạnh đó, hàng năm Hà Nội cũng có những đợt ra quân dẹp hàng quán lấn chiến để giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Cơ quan chức năng đã xử phạt tiền, thu giữ bảng biển, bàn ghế nhưng đâu lại vào đấy. Vỉa hè vấn là nơi "đẻ" ra tiền nên người đi bộ vẫn không thể đi trên vỉa hè. 

Năm nay, sau hơn 10 ngày triển khai ra quân giành lại vỉa hè cho người dân, nhiều tuyến phố đã được trả lại không gian đi bộ vốn có. Tuy nhiên thực tế đến nay, nhiều tuyến phố vẫn được người dân tận dụng từng mét vỉa hè để kinh doanh, buôn bán.

Trong khi đó, phát biểu tại lễ ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã yêu cầu các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý toàn diện các vi phạm trên các lĩnh vực trên địa bàn.

Trong đó, huy động toàn diện các lực lượng, phương tiện tham gia phá dỡ khi cần cưỡng chế; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm theo hình thức "cuốn chiếu" làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm.

Lòng đường, vỉa hè bị các quán ăn chiếm trên phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Đông

Dẹp lấn chiếm vỉa hè - bắt đầu từ đâu?

Theo các chuyên gia, sau xử lý, lực lượng chức năng còn cần phải duy trì tốt trật tự, nghiêm khắc, quyết liệt với những trường hợp “nhờn luật”, nay đi mai quay lại. Đặc biệt là kiểm tra, xử lý thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ‘‘đánh trống bỏ dùi”.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, một số mức phạt vỉa hè tương đối thấp, chính vì thế nhiều người sẵn sàng vi phạm.

Theo đó, hiện hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng chỉ bị xử phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng đối với cá nhân, từ 200 - 400 nghìn đồng đối với tổ chức.

Nếu tăng chế tài xử phạt, hoặc có hình phạt bổ sung như cấm kinh doanh trong thời hạn bao nhiêu tháng với hộ vi phạm, thì có tính răn đe hơn.

Theo luật sư Nghĩa, cần phải gắn trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự vỉa hè. Nếu nơi nào để tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng nhiều thì cần xử lý nghiêm cán bộ có trách nhiệm về việc này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, địa phương thực hiện công tác trật tự đô thị thường xuyên và liên tục. Quận không tổ chức ra quân để thành phong trào xử lý lấn chiếm vỉa hè, các biển quảng cáo không đúng quy định, cũng như gây cản trở giao thông, mỹ quan đô thị.

Theo ông Hùng, năm 2022, quận Hai Bà Trưng đã xử lý 9.844 trường hợp vi phạm vỉa hè, phạt tiền 8,9 tỉ đồng. Với những trường hợp tái diễn vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý, luân chuyển cán bộ vi phạm. Còn với những hộ dân sẽ xem xét rút giấy phép kinh doanh và sử dụng một số biện pháp ngăn chặn vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn