MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau một thời gian ra quân, hiện nhiều lòng đường, vỉa hè TPHCM đang bị tái lấn chiếm. Ảnh: Ngọc Tiến

Dẹp vỉa hè: “Sạch tức thì, không bền vững”

Hoàng Hưng LDO | 06/07/2017 07:34
Ngày 5.7, kỳ họp thứ 5 của HĐND TPHCM khóa IX bước sang ngày làm việc thứ 2 - thảo luận tại hội trường. Vấn đề “giành” lại lòng đường, vỉa hè và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TPHCM đã trở thành chủ đề nóng được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Đặc biệt, nhiều ý kiến thẳng thắn bày tỏ rằng, giải pháp ra quân dọn dẹp lòng đường, vỉa hè thời gian vừa qua “chỉ sạch tức thì chứ không bền vững”; còn câu chuyện làm thế nào để kiểm soát được thực phẩm bẩn và người dân được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn thì vẫn còn nhiều điều rối rắm.

Người dân không tham gia, sẽ không thể lập lại được trật tự vỉa hè

Đại biểu Diệp Hồng Di cho rằng: “Người dân đang nghi ngờ cách làm của chính quyền trong việc tái lập trật tự lòng, lề đường. Làm sao để tuyên truyền ý thức trả lại lòng, lề đường đối với những người thường xuyên vi phạm? Cách nào giải quyết cho số lượng lớn người bán hàng rong bán buôn đúng chỗ, không còn lấn chiếm lòng lề đường?”.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề: “Việc tái lấn chiếm lòng, lề đường đang gây mất lòng tin trong dân. Như vậy, thời gian tới, công tác này phải như thế nào đây? Việc tái lập trật tự lòng lề đường không thể nóng vội, mà quan trọng là chúng ta thực hiện như thế nào để công tác trên bền vững, mang hiệu quả rõ rệt”.

Phát biểu về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TPHCM - cho rằng: “Một khi người dân không hưởng ứng, không tham gia, thì công tác tái lập trật tự vỉa hè, lòng đường sẽ không thể mang lại hiệu quả bền vững. Chúng ta đừng ảo tưởng công tác trên thực hiện trong một sớm một chiều. Bởi nếu chúng ta ra quân dọn dẹp thì nó sạch tức thì đó, nhưng không bền vững.

Vấn đề đặt ra là phải có lộ trình, kế hoạch chi tiết, cụ thể và biện pháp xử phạt nghiêm minh. Công tác này đòi hỏi cả hệ thống chính quyền vào cuộc, phải duy trì thực hiện từng tháng, hàng quý, cả năm… Và điều quan trọng vẫn là tuyên truyền, làm sao mọi người dân đồng thuận tham gia, giám sát”.

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, kế hoạch thực hiện phải được bàn trong nhân dân, để người dân góp ý. Khi đó, kế hoạch này không phải của cơ quan quản lý nhà nước nữa mà của nhân dân và Nhà nước cùng làm. Sau khi có được sự đồng thuận của người dân về kế hoạch, thì người dân sẽ cùng tham gia thực hiện, giám sát.

Trong khi đó, ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cũng nêu quan điểm của UBND thành phố rằng, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè không phải làm trong một hay hai tháng, mà phải thực hiện kiên trì và xuyên suốt. Và cách làm của thành phố là “vừa chống, vừa xây”.

Ông Lê Văn Khoa lấy một ví dụ về các điểm buôn bán tự phát tại các KCX-KCN là do nhu cầu có thật phục vụ công nhân lao động. Tuy nhiên, nếu duy trì các điểm chợ tự phát này thì sẽ gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự đô thị; còn nếu dẹp hẳn thì sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân, công nhân lao động. Do vậy, cách làm của thành phố là dẹp các điểm chợ tự phát, song cũng xây dựng, sắp xếp các điểm bán đảm bảo an toàn, trật tự, văn minh đô thị để buôn bán phục vụ nhu cầu của người dân, công nhân 
lao động.

Làm gì bảo đảm an toàn thực phẩm?

Kỳ họp đã dành cả buổi chiều 5.7 để thảo luận chủ đề an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM. Theo báo cáo của HĐND thành phố, trong 2 năm 2015-2016, các đoàn thanh-kiểm tra 3 cấp của thành phố đã kiểm tra 98.235 cơ sở thực phẩm, phát hiện vi phạm 14.906 cơ sở (tỉ lệ 15,2%), xử phạt 11.051 cơ sở, với tổng số tiền trên 56,1 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh - GĐ Sở Y tế - kết quả trên cho thấy tình trạng thực phẩm bẩn trên địa bàn thành phố là “rất đáng lo ngại, chưa an toàn”. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí băn khoăn: “Làm sao để người dân an tâm các khâu đường đi các loại thực phẩm là an toàn? Từ sản xuất, vận chuyển, phân phối, tới chế biến… là không có gian dối, không sử dụng chất độc hại. Làm sao truy xuất nguồn gốc thực phẩm thật sự có hiệu quả, rộng khắp, chứ không phải nhỏ lẻ, tượng trưng như hiện nay?”.

Ngay cả bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TPHCM - cũng thấy lo lắng và cho rằng với quản lý thực phẩm tại các chợ đầu mối hiện nay thì làm sao mà tin được: “Ở các chợ đầu mối, các chủ hàng tự kê khai nguồn thực phẩm vào sổ Ban quản lý chợ cung cấp và quản lý. Các lô hàng chờ xét nghiệm, kiểm định thì đã đưa đi tiêu thụ ở các chợ lẻ rồi. Điều đó cũng có nghĩa, nếu kết quả xét nghiệm lô hàng thực phẩm không đạt thì hàng đó cũng đã được người dân tiêu thụ rồi. Vậy phải giải quyết làm sao đây?”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó GĐ Sở Công Thương - cho rằng, sắp tới sẽ quy trách nhiệm thật nghiêm cho từng chủ hàng tham gia kinh doanh thực phẩm tại 3 chợ đầu mối. “Hiện chúng tôi đang điều chỉnh và trình thành phố nội quy tại các chợ đầu mối. Trong đó, có quy định nếu chủ hàng đưa hàng không đủ tiêu chuẩn, không truy xuất được nguồn gốc thì không cho kinh doanh tại chợ. Bởi lẽ, các chủ hàng sợ nhất là không được kinh doanh tại chợ, vì vậy đây là giải pháp răn đe, sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của chủ hàng trong việc cung ứng thực phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc…”.

Cũng theo ông Hòa, từ ngày 31.7 tới tại 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, đối với thịt heo vào chợ mà không truy xuất được nguồn gốc theo đề án của thành phố đang triển khai thì không cho vào chợ.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM - cho biết, trước đây, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm được giao cho 3 sở (Y tế, NNPTNT và Công Thương), nay thì quy về một đầu mối là Ban Quản lý an toàn thực phẩm. Việc quy về một đầu mối, với 468 nhân viên chuyên trách, công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM chắc chắn sẽ chuyển biến tốt trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn