MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đi chợ đầu năm, càng “choảng nhau” càng may

Quách Du LDO | 10/02/2019 15:06
Đến phiên chợ đặc biệt này, các “vũ khí” dùng để “chinh chiến” là cà chua, táo, cam, ổi… người nào càng bị “choảng” nhiều thì năm mới càng gặp nhiều may mắn.

Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày mùng 6 Tết hàng năm, cả ngàn người lại đổ về phiên chợ Chuộng tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) để “choảng nhau” cầu cho một năm mới gặp nhiều may mắn.

Hàng nghìn người tề tựu về phiên chợ "choảng nhau". 

Năm nay, mùng 6 Tết (tức 10.2 dương lịch), phiên chợ lại được tổ chức trên bãi đất trống, rộng khoảng 1.000m2 và chỉ họp một buổi duy nhất.

Đến với chợ Chuộng năm nay, người dân có thể mua các vật dụng thiết yếu như rau củ quả và nhiều đồ dùng, vật dụng khác. Đặc biệt, các loại hoa quả như cà chua, táo, ổi, cam… là mặt hàng không thể thiếu. Bởi đây là những "vũ khí" cho các nam thanh, nữ tú dùng để “choảng nhau” cầu may cho năm mới.

 Các nam thanh, nữ tú mua các loại hoa quả như cà chua, cam... ném vào nhau cầu may mắn trong năm mới.

Theo nhiều người dân địa phương, năm nào chợ “choảng nhau” to thì năm đó người dân trong vùng may mắn, mùa vụ bội thu và công việc thuận buồm xuôi gió.

Theo truyền miệng kể lại, chợ Chuộng chẳng biết có từ bao giờ, chỉ biết năm nào chợ cũng tổ họp vào ngày mùng 6 Tết. Dân làng trong vùng cứ đến ngày này là tề tựu về đây, bất kể mưa hay nắng.

Các cụ cao niên trong vùng cho biết, sở dĩ có phiên chợ đặc biệt này là do thời xưa truyền rằng, vào thời nhà Lê, một vị vua trên đường đi đánh giặc, khi ngang qua vùng này vào ngày mùng 6 Tết thì bị địch phát hiện và vây bắt. Nhanh trí, vị vua này huy động người dân trong vùng ra giả vờ tổ chức một phiên chợ để đánh lạc hướng quân địch.

 Phiên chợ được tổ chức trên một khu đất rộng và nằm cạnh con sông.

Khi chợ được tổ chức, các loại hàng hóa, hoa quả được bày bán bình thường, tuy nhiên, bên dưới cất giấu nhiều vũ khí. Khi quân giặc kéo tới, tưởng đây là phiên chợ thường nên mất cảnh giác.

Ngay lập tức, vị vua phát lệnh, tất cả người dân dùng vũ khí đứng dậy đánh đuổi khiến giặc bỏ chạy tán loạn. Kể từ đó, để tưởng nhớ công lao của vị vua này, hàng năm cứ đến mùng 6 Tết, người dân trong vùng lại tổ chức họp chợ để cầu may.

Cho đến nay, người dân trong vùng vẫn thường truyền tai nhau câu nói: "Chết bỏ con bỏ cháu, sống không ai bỏ mùng 6 chợ Chuộng".

Tham dự phiên chợ, dù các thanh niên ném nhau loạn xạ. Tuy nhiên, các vật dụng dùng để ném đều là các hoa quả mềm nên không gây nguy hiểm cho người tham dự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn