MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không khó để tìm ra những hội nhóm ngang nhiên rao bán tài khoản ngân hàng. Ảnh: Chụp màn hình

Đi “chợ đen” săn tài khoản ngân hàng thật bằng tiền ảo

LƯƠNG HẠNH LDO | 22/06/2024 07:21

Tài khoản ngân hàng của cá nhân, doanh nghiệp có thể dễ dàng mua bán với mức giá từ 500.000 đồng đến hàng chục triệu đồng. Đáng nói, hiện hoạt động này đang diễn ra với chiêu thức tinh vi bằng cách dùng tiền ảo để thanh toán, người bán và mua không gặp mặt trực tiếp.

Thanh toán bằng Bitcoin, Ethereum

Đầu tháng 5, chị Nguyễn Thị Thu Lợi (Phú Thọ) tổ chức đám cưới. Ngày 10.5, chị Lợi bất ngờ nhận thông tin nhiều bạn bè từ lâu không liên lạc phản ánh, có người giả mạo chị “đòi” tiền mừng đám cưới. Đáng nói, ngoài nhắn tin qua Facebook, các đối tượng giả mạo còn gọi vào số điện thoại cho bạn bè chị. “Điều tôi bất ngờ nhất là tài khoản ngân hàng của đối tượng giả mạo có tên giống hệt tôi. Vài người bạn tôi đã tin tưởng, chuyển tiền mừng đám cưới cho chúng” - chị Lợi chia sẻ.

Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 11.5.2024, em gái của chị Lợi là chị Nguyễn Thị Hồng Vân cũng bị chiếm tài khoản Facebook đã dùng trong nhiều năm. Vừa đăng thông báo cảm ơn gia đình, bạn bè đã đến chung vui trong ngày cưới, chị Lợi lại phải tiếp tục đăng một thông báo rằng, em gái chị đã bị hack Facebook; đồng thời xin lỗi nhiều bạn bè đã bị lừa đảo.

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, chỉ cần nhập từ khóa "mua tài khoản ngân hàng" trên mạng xã hội Facebook là hàng loạt hội, nhóm mua - bán tài khoản ngân hàng xuất hiện. Nổi bật là nhóm "Mua bán tài khoản Ngân hàng thẻ ATM - Bank ảo" với hàng trăm nghìn thành viên.

Đáng nói, khách mua có thể dễ dàng tiếp cận được thông tin giá cả và phương thức mua bán tài khoản ngân hàng. Một bạn đọc giấu tên cung cấp thông tin cho Phóng viên Báo Lao Động về quá trình mua bán này. Khách chỉ cần bỏ ra từ 500.000 đồng - 2 triệu đồng là có thể mua được căn cước công dân, sim điện thoại, tài khoản ngân hàng online, thậm chí thẻ vật lý của bất kỳ ngân hàng nào với tên chủ tài khoản theo mong muốn. Nếu khách hàng thắc mắc về độ chuẩn của tài khoản ngân hàng, hoặc không sử dụng được thì hoàn toàn có thể trả lại.

Để an toàn cho giao dịch, thanh toán khi mua tài khoản ngân hàng sẽ được thực hiện thông qua các loại tiền ảo như: Bitcoin, Ethereum... Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo không dùng mạng xã hội truyền thống mà chuyển sang các nền tảng khác như Telegram, WhatsApp để liên lạc, trao đổi. Các đối tượng từ chối gặp trực tiếp trao đổi mà chỉ yêu cầu người mua gửi thông tin hình ảnh, căn cước công dân... qua bưu điện hoặc xe khách đến địa điểm mà đối tượng này cung cấp.

Bảng giá mua bán các tài khoản ngân hàng. Ảnh: Chụp màn hình

Tài khoản ngân hàng “giả nhưng thật”

Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, tài khoản ngân hàng rác tồn tại bởi kẻ xấu có thể thu mua tài khoản từ các bạn sinh viên hoặc những người có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, kẻ xấu còn có thể bày ra các kịch bản để chủ động đánh cắp danh tính của một người dùng cụ thể. Mục đích của hành động này là thu thập video quay trực tiếp khuôn mặt nạn nhân để phục vụ cho việc xác thực điện tử (eKYC) nhằm qua mặt hệ thống của các ngân hàng. Bằng thủ đoạn đó, chúng có thể tạo tài khoản theo tên một người dùng cụ thể mà nạn nhân chẳng hề hay biết. Những tài khoản ngân hàng “giả nhưng thật” này sau đó sẽ được cung cấp cho phía người đặt mua theo đúng như yêu cầu.

Trước đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) - cho biết, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, có sự móc nối giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài.

Cục A05 đã đưa ra một số khuyến cáo để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ bản thân trước các hành vi lừa đảo: Tìm hiểu và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện giao dịch; Không vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc; Không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản E-Banking, tải các ứng dụng/link/email theo yêu cầu của người lạ; Tuyệt đối không mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân; Cài đặt bảo mật 2 lớp và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của bản thân, gia đình, bạn bè trên mạng; Khi xảy ra các vụ lừa đảo trên không gian mạng thì kịp thời thực hiện tin báo, tố giác tội phạm đến cơ quan gần nhất và trực tiếp đến Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố phối hợp ngăn chặn hoạt động mua, bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên. Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc học sinh, sinh viên tiếp tay cho thuê, bán tài khoản là vi phạm quy định, sẽ bị xử phạt nặng. Nếu cho thuê, mượn, mua bán 1-10 tài khoản sẽ bị phạt tiền 40-50 triệu đồng. Còn nếu thuê, mượn, mua bán số lượng từ 10 tài khoản trở lên sẽ bị xử phạt từ 100 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn