MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực trước cổng Trường Đại học Thương mại là điểm nóng ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: Hữu Chánh

Di chuyển nhà máy, trường đại học khỏi nội đô Hà Nội

Nguyễn Chánh LDO | 12/01/2023 09:07

Những năm qua, Hà Nội đã đặt quyết tâm cao với chủ trương di dời các nhà máy, xí nghiệp, trường đại học khu vực nội đô ra ngoài nhằm giảm tác động ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chủ trương được cho là cấp bách này vẫn diễn ra rất chậm chạp, càng quyết tâm càng “mất hút”.

Quyết tâm trên "bàn giấy"

Kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô được đề cập lần đầu trong quyết định của Thủ tướng vào năm 2003. Đến năm 2015, việc này tiếp tục được nêu trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

UBND TP.Hà Nội có 5 lần thành lập Ban Chỉ đạo (trong các năm 2007, 2009, 2015, 2017 và 2021) để thực hiện kế hoạch này. Thành phố xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành.

Lần gần nhất Hà Nội nhắc đến việc này là hồi tháng 7.2022, khi HĐND thành phố thông qua danh mục 9 cơ sở nhà đất cần di dời khỏi nội thành trong vòng 5 năm tới. Điều này cho thấy quyết tâm của Hà Nội khi đưa ra lộ trình cụ thể cho từng nhà máy, xí nghiệp.

Chuyển biến đáng kể nhất thể hiện ở những công sở di dời từ khu vực nội đô lịch sử ra các quận mới. Quy hoạch - kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc của các bộ, ngành Trung ương tại khu vực tây Hồ Tây cũng đã được nghiên cứu, tổ chức thi tuyển.

Khu đô thị phía nam Đại lộ Thăng Long cũng đã dành quỹ đất cho khu vực thứ hai cho việc di dời các công sở Trung ương ra khỏi nội đô...

Việc di dời vẫn rất chậm chạp

Tuy nhiên, những điểm sáng ấy chưa thật sự tạo nên chuyển biến lớn trên diện rộng. Vị thế Thủ đô chỉ được nâng cao hơn nếu vấn đề xây dựng mới, song hành với di dời công sở, nhà máy, trường học, bệnh viện được nghiên cứu, có sự vào cuộc của Trung ương, các bộ, ngành và đơn vị quản lý.

Dù Trung ương, Hà Nội đã đặt ra mục tiêu, mốc thời gian rõ ràng, nhưng tiến độ thực hiện vẫn không đạt như kỳ vọng và không muốn nói là quá chậm trễ khi đến nay, Hà Nội mới chỉ di dời được gần 70/117 cơ sở sản xuất. 

Thực tế ghi nhận tại một số quận nội đô, có rất nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vẫn cố duy trì hoạt động sản xuất. Một số cơ sở đã dừng sản xuất, nhưng vẫn chưa tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí.

Bên cạnh đó nhiều bộ, ngành đã hoàn tất việc xây dựng và chuyển trụ sở sang địa điểm mới song không trả lại trụ sở cũ.

Năm 2011, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đề cập việc "phân bố, sắp xếp lại hệ thống trường đại học và cao đẳng, khu vực nội đô khống chế khoảng 30.000 sinh viên".

Mục tiêu được đề ra là giảm tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho nội thành, quỹ đất sau khi di dời trường đại học được sử dụng vào mục đích công cộng, phục vụ đô thị. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có "lác đác" một số cơ sở giáo dục được di dời.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của chậm trễ này là do một số cơ quan chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, chậm xây dựng đề án di dời. Nguyên nhân thứ hai là nguồn ngân sách bố trí di dời và đầu tư hạ tầng kỹ thuật xây dựng trụ sở mở còn hạn chế, bên cạnh đó chưa có phương án huy động nguồn lực ngoài ngân sách.

Ảnh hưởng của việc chậm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, trụ sở các bộ, ngành, các trường đại học ra khỏi nội đô là rất rõ. Các hoạt động công cộng không phát triển được do số người đã quá tải trong một đô thị đã quá chật chội. Úng ngập đô thị, quá tải giao thông, ùn tắc đường tại nhiều nơi... gây áp lực lớn lên hạ tầng đô thị, nhìn rộng ra là ảnh hưởng đến kế hoạch, công tác phát triển đô thị của thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn