MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu tái định cư thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Di dân ra khỏi vùng sạt lở và tạo sinh kế bền vững

NHẬT HỒ LDO | 01/11/2023 09:21

Thực hiện Ðề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 UBND tỉnh Cà Mau đã xác định: Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển; phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Tuy nhiên, thực tế tại các khu tái định cư hiện hữu vẫn chưa hấp dẫn người dân.

Ngồi trong căn nhà tái định cư, ông Nguyễn Văn Đại (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) trần tình: Vào đây ở không còn sợ sóng, nhưng để sống được rất khó khăn. Bởi, khu tái định cư nằm trong đê, xa cửa biển nên tàu đánh bắt thủy sản phải đậu ở ngoài. Ngày nào đi đánh cá được thì đi, hôm nào không ra biển được thì làm thuê, làm mướn kiếm sống.

Khu tái định cư này bố trí cho 192 hộ. Tuy nhiên, dù đã hình thành cách đây 5 năm, hiện tại mới vào ở hơn 70 hộ dân. Nguyên nhân đo điện, nước chưa được kéo tận nhà và nhiều người dân bỏ đi nơi khác làm ăn.

Một lãnh đạo thị trấn Sông Đốc cho biết, chúng tôi còn 50 nền chưa bố trí được do người dân đi làm ăn xa chưa về nhận nền.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau - cho biết, theo quy hoạch của UBND tỉnh Cà Mau, các dự án tái định cư được hình thành 35 cụm, tuyến dân cư mới thuộc địa bàn 8 huyện trong tỉnh. Hiện nay, có 11 khu tái định cư ven biển đã được đầu tư. Trong đó, chỉ có 3 khu đã đầu tư hoàn thiện, còn lại 8 khu đang thực hiện.

Giai đoạn 2006-2020, tỉnh Cà Mau đã bố trí cho 2.017 hộ vào khu tái định cư, đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở cho người dân.

Tỉnh Cà Mau nhìn nhận thực tế tại các khu tái định cư: Hạ tầng chưa đồng bộ; việc thiết kế xây dựng chưa quan tâm đến phong tục, tập quán, văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số nên nhiều công trình nhà ở và công trình công cộng sau khi đưa vào sử dụng không được người dân sử dụng.

Thời gian đầu người dân vào khu tái định cư rất ít; tiến độ thực hiện chậm nên nhiều hạng mục xây dựng trước xuống cấp khi khu tái định cư hoàn thành. Việc đầu tư các cụm, tuyến dân cư chưa đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân, đời sống người dân trong khu tái định cư còn nhiều khó khăn.

Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển ở Bến Tre

Ngày 30.10, UBND tỉnh Bến Tre ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Theo đó, khu vực sạt lở, xâm thực nghiêm trọng trên địa bàn xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, với tổng chiều dài khoảng 4,7km, ảnh hưởng trực tiếp đến 115 hộ dân; làm hư 15 căn nhà, hư hại 100m đường bêtông; sạt lở hoàn toàn 650m bờ bao. Diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 535ha, trong đó, riêng đất rừng phòng hộ ven biển từ năm 2004 đến nay mất 16ha và thiệt hại hoàn toàn 45ha hoa màu của người dân.

Theo quyết định, UBND tỉnh Bến Tre áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra như sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm. Ngành chức năng tỉnh thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở; tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn