MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng người dân di cư tự do đã gây ra nhiều áp lực cho tỉnh Đắk Nông trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: BẢO LÂM

Di dân tự do “cạo trọc” hàng chục nghìn hécta đất rừng

BẢO LÂM LDO | 28/09/2020 10:21
Tỉnh Đắk Nông có 246.984ha rừng và 81.308ha đất lâm nghiệp. Thế nhưng, toàn tỉnh hiện có khoảng 67.400ha đất có nguồn gốc từ phá rừng đang bị chiếm dụng. Đối tượng lấn chiếm đất rừng chủ yếu là dân di cư tự do.

Lập bản giữa... rừng sâu

Gần 20 năm trước, hàng chục hộ dân ở các tỉnh, thành phía Bắc di dân tự do vào xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông sinh sống dọc theo suối Phèn. Khu vực này từ trước đây được giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý. Lâu ngày, khu vực này đã hình thành nên ngôi làng mang tên Suối Phèn.

Ông Giàng A Páo (SN 1957) là một trong những người đầu tiên dẫn họ hàng “đổ bộ” khu vực rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý. “20 năm qua, đến nay đã có 2-3 thế hệ con cháu của những người di dân tự do như tôi được sinh ra và lớn lên tại Suối Phèn” - ông Páo cho hay.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, cụm dân cư Suối Phèn đang có hơn 80 hộ gia đình với hơn 450 nhân khẩu sinh sống. Sau khi người dân di cư tự do tập trung thành bản làng, địa phương đã và đang chuyển đổi khu vực này nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng để xây dựng khu dân cư.

Lâm phận do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng quản lý cũng rơi vào cảnh tương tự. Ông A Sì cho biết, năm 2000, ông từ Lào Cai mang theo gia đình “nhảy dù” vào tiểu khu 1752 để phát rẫy, làm nhà ở. Đến nay, gia đình ông có 4.000 cây cà phê và khoảng 2ha đất trống. Sau 20 năm định cư ở Đắk R’măng, đại gia đình ông Sì từ 1 hộ đã có thêm 2 hộ mới.

Không riêng gì hộ ông Sì, trên toàn bộ lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng hầu như tiểu khu nào cũng đều có người Mông di cư từ phía Bắc vào. Tổng diện tích đất rừng bị lấn chiếm trái phép là 2.248ha. Số hộ sinh sống và xâm canh trên đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng là 235 hộ, với 1.400 khẩu. Đến nay, dân di cư tự do do ở Đắk R’măng được chính quyền địa phương phân chia thành các cụm dân cư theo thứ tự từ 6 - 13.

Theo ông Trương Trường Giang - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng, nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả dân di cư tự do, rất dễ gây nên tình trạng phá rừng tràn lan để lấy đất sản xuất. Việc người dân định cư và sản xuất trên đất lâm nghiệp khiến cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng không thể phát triển, khôi phục diện tích rừng đã mất.

Cản trở phát triển rừng

Hiện, rất nhiều bản làng dân di cư tự do sống biệt lập trong rừng. Người di cư tự do từ lâu đã gây nên những hệ lụy không nhỏ trong phát triển kinh tế, an ninh trật tự, xã hội và nhất là công tác bảo vệ tài nguyên rừng ở nhiều địa bàn của tỉnh Đắk Nông.

Thống kê, Đắk Nông có 246.984ha rừng và 81.308ha đất lâm nghiệp, nhưng khoảng 67.400ha đất có nguồn gốc từ phá rừng đang bị chiếm dụng. Đối tượng lấn chiếm đất rừng chủ yếu là dân di cư tự do. Địa bàn tỉnh đang có 38.191 hộ, với 173.973 nhân khẩu từ các tỉnh phía Bắc đến sinh sống. Đến nay, tỉnh đã có nhiều nỗ lực ổn định được nơi ở, sản xuất cho di dân tự do. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 7.931 hộ chưa ổn định. Trong đó, đáng chú ý có 5.743 hộ, với 16.792 khẩu đang sống trên đất lâm nghiệp.

Do tác động của di dân tự do, nên công tác quy hoạch phát triển rừng của Đắk Nông liên tục thay đổi. Từ năm 2007 đến nay, tỉnh đã phải 4 lần rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch ba loại rừng. Tỉnh đã phải đưa 87.050ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm ra ngoài quy hoạch ba loại rừng, vì rất khó thu hồi để phát triển rừng theo kế hoạch.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng, để “giữ chân” và ổn định dân di cư tự do tại địa phương, ngoài việc bố trí nơi ở, nơi sản xuất thì cần đầu tư hệ thống điện, đường, trường, trạm… tại các dự án ổn định dân di cư tự do. Theo tính toán ban đầu, tỉnh cần đến hơn 1.000 tỉ đồng để thực hiện các vấn đề này. Ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, các địa phương còn cần chú trọng công tác đào tạo nghề để tạo sinh kế cho dân. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025 giải quyết dứt điểm tình trạng di dân tự do.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn