MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân tại khu chung cư cũ G6A tập thể Thành Công chưa hoàn thành việc di dời vì nhiều lo ngại khác nhau. Ảnh: T.Vương

Di dời người dân khỏi chung cư cũ nát: Vẫn còn tâm lý lo lắng đi dễ, về khó

VƯƠNG TRẦN LDO | 09/03/2023 08:53

Công tác di dời, bàn giao mặt bằng là một trong những “điểm nghẽn” khiến việc cải tạo chung cư cũ nát ở Hà Nội nhiều lần bị ách tắc suốt nhiều năm qua. Nhiều người dân sinh sống tại các khu chung cư cũ nát lo lắng về việc “đi dễ, về khó” nên chưa chịu di dời. Để hoá giải việc này, cần các phương án công khai, minh bạch, lộ trình xây dựng và cải tạo một cách rõ ràng. 

Nhiều khu đã hoàn thành di dời

Theo ghi nhận của Lao Động, tại đơn nguyên 1 nhà A tập thể Ngọc Khánh cao 5 tầng. Hiện nay các nhà đều xuống cấp nghiêm trọng. Tương tự, tại đơn nguyên 3 chung cư C8 Giảng Võ cũng đã được kiểm định nguy hiểm cấp độ D. UBND phường Giảng Võ đã căng biển cảnh báo nhà nguy cơ sụp đổ (nhà nguy hiểm cấp độ D) ở nhiều vị trí tại đơn nguyên này. 

“Đề nghị các hộ dân khẩn trương di dời người và tài sản ra khỏi đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Nghiêm cấm mọi hoạt động kinh doanh, cho thuê, cho mượn để ở hoặc sử dụng vào các mục đích khác tại đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ” - UBND phường Giảng Võ thông báo.

Cho đến nay, khu tập thể C8 Giảng Võ đã hoàn thành di dời người dân và bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương.

Lo lắng "đi dễ, về khó"

Cũng là một trong những chung cư được đánh giá nguy hiểm cấp độ D, chung cư G6A Thành Công (phường Thành Công) gồm 2 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên có chiều cao 5 tầng. Nhà ở khu vực này hiện đã bong tróc, xuống cấp, kết cấu chịu lực yếu. Mặt khác, trong quá trình sinh sống, nhiều hộ dân cơi nới để tăng thêm phần diện tích sử dụng, đua ra bên ngoài như những “chuồng cọp”. Khu chung cư này cũng được xác định nguy hiểm, yêu cầu phải di dời người dân, tuy nhiên cho đến nay vẫn còn hơn 40% số hộ vẫn chưa dời đi.

Theo số liệu từ UBND quận Ba Đình, khu vực này có 49 hộ thì hiện nay còn 21 hộ chưa bàn giao mặt bằng, di dời về nơi tạm cư.

Mấy chục năm sinh sống ở đây, bà N.N.Y cho biết, hiện nay nhiều hộ dân ở đây chưa đồng thuận với các phương án di dời của địa phương. Mặt khác, các hộ dân cũng mong muốn được gặp chủ đầu tư để có thể biết được thời gian cải tạo, xây dựng khu tập thể. 

Ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, UBND quận Ba Đình còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như những khu vực khác. Những vấn đề thường gặp phải như quỹ nhà tạm cư còn thiếu và chưa đảm bảo nhu cầu của người dân nên nhiều người khó đi. Mặt khác, do bị hạn chế bởi số tầng công trình đã quy định tại đồ án phân khu H1-2 dẫn tới diện tích sàn kinh doanh (sau khi đã bố trí tái định cư) còn lại ít, không hấp dẫn được các Nhà đầu tư, tham gia cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

PGS-TS-KTS Nguyễn Quang Minh (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, mấu chốt trong việc cải tạo chung cư cũ nát đó là phải hài hòa lợi ích của nhà nước - người dân - nhà đầu tư. Các phương án, lộ trình cải tạo cần phải minh bạch, rõ ràng để người dân yên tâm khi di chuyển khỏi nơi mình đã ở, gắn bó nhiều năm. Cùng với đó, cần có chính sách thu hút nhà đầu tư để họ cải tạo chung cư cũ nát, trở thành những khu vực khang trang, sạch đẹp, đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân.

“Một trong những vướng mắc lớn từ phía người dân hiện nay đó là chính sách đền bù, hỗ trợ. Do vậy, sau khi cải tạo xong chung cư thì việc tái định cư phải tại chỗ chứ không phải tại một địa điểm khác. Khi điều hòa được lợi ích giữa chủ đầu tư và cư dân thì nút thắt sẽ được hoá giải” - PGS-TS-KTS Nguyễn Quang Minh nêu rõ.

Hoàn thành di dời người dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D trong Quý I/2023

Mới đây, tại buổi kiểm tra thực địa công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại quận Ba Đình và Đống Đa, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của thành phố trong lộ trình xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại.

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu UBND các quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy khẩn trương thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D, hoàn thành chậm nhất trong quý I/2023; khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2023; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý III/2023. T.Vương

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn