MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở của Bộ Nội vụ. Ảnh: CHÍ NGUYÊN

Di dời ra khỏi nội đô: 10 bộ, ngành chưa trả lại trụ sở

THÔNG CHÍ - CAO NGUYÊN LDO | 31/10/2017 08:30
Ngày 30.10, Bộ Xây dựng phải gửi báo cáo Chính phủ về tiến độ đồ án di dời các bộ ngành, nhưng chiều cùng ngày, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, vẫn chưa chốt phương án di dời, cần rà soát, nghiên cứu thêm tính khả thi các phương án.

Trong khi đó, khảo sát của Lao Động, đã có 10 cơ quan di dời đến trụ sở mới, nhưng chưa đơn vị nào bàn giao trụ sở cũ về cho UBND TP.Hà Nội. 

Làm rõ thêm tính khả thi

Trao đổi với PV Lao Động chiều ngày 30.10, ông Nguyễn Việt Hùng - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Xây dựng - cho biết, Bộ Xây dựng đã lên dự thảo đồ án di dời trụ sở các bộ ngành nhưng vẫn cần tính toán thêm, các chuyên gia nghiên cứu thêm. Vấn đề không chỉ đồ án quy hoạch mà nghiên cứu, làm rõ thêm tính khả thi các phương án. Hiện nay vẫn chưa chốt phương án cụ thể” - ông Hùng nói.

Vẫn ôm đất vàng

Hiện nay, 7 bộ, ngành đã và đang thực hiện xây dựng ở vị trí mới gồm Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban dân tộc, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc di dời các cơ quan ra khỏi các quận nội thành được thực hiện theo quyết định của Chính phủ có từ năm 1997. Tuy nhiên, đến nay Hà Nội chưa thu được một khu đất nào để xây dựng công viên hay bãi đỗ xe.

Theo ghi nhận của PV vào chiều ngày 30.10 tại số 37A phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, đây là trụ sở cơ quan của Bộ Nội vụ với dãy nhà cao ba tầng đồ sộ, chiều dài mặt đường gần 100 mét.

Quan sát của PV Lao Động cho thấy, khu đất này được sử dụng làm trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Bên trong trụ sở này có rất nhiều xe ôtô khác nhau. Ở đây vẫn có nhân viên bảo vệ ngay gần cửa ra vào. Bảng thông tin trụ sở gần mặt đường bị bụi bám dày đặc. Một bảo vệ tại đây cho biết, do chưa bàn giao hết nên ở đây nhân viên vẫn đến làm việc bình thường.

Tìm hiểu cho thấy, tại địa chỉ số 83 Nguyễn Chí Thanh vẫn còn một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đang làm việc tại đây như Tổng Cục Biển và Hải Đảo... và một số phòng ban nhỏ khác.

Ngoài ra, đối với Bộ Tài chính, sau khi di dời trụ sở cũ của Tổng cục Hải quan tại địa chỉ 160 Nguyễn Văn Cừ được sử dụng thành trụ sở của Trường đào tạo cán bộ ngành Hải quan.

Trả lời Lao Động về việc các bộ, ngành sau di dời vẫn sử dụng trụ sở cũ để sử dụng chứ không bàn giao về UBND TP.Hà Nội để sử dụng làm đất công cộng, người phát ngôn Bộ Xây dựng cho rằng, quan trọng vẫn là mục đích sử dụng, vẫn sử dụng làm trụ sở của các cơ quan của bộ để phục vụ thì sẽ không thành vấn đề.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - vấn đề đáng lưu tâm là sau khi các đơn vị di dời xong thì trụ sở cũ sử dụng thế nào?

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - nêu quan điểm với PV Lao Động, mục đích của việc di dời các bộ, ngành là để tránh tập trung các cơ quan đầu não ở trung tâm gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến phát triển hạ tầng giao thông. “Nếu sau khi di dời lại phê duyệt cho xây dựng nhà ở thì không ổn vì chắc chắn gây ách tắc thêm” - ông Hùng nói.

Ý kiến ĐBQH về di dời các trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô

Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (ĐBQH Hà Nội): Đây là công việc không ai có thể làm thay Chính phủ được

Khi Luật Thủ đô ra đời người ta đã quy hoạch cái này rồi, các trụ sở của cơ quan trung ương khi dời đi, thì phải để lại cho khối phục vụ công, chứ không phải để xây dựng nhà cao tầng, xây dựng trung tâm thương mại. Rõ ràng Luật Thủ đô có rồi, luật quy hoạch, các luật khác cũng quy định trong chừng mực. Nhưng chúng ta thực thi pháp luật chưa nghiêm, nên kỳ này lại tiếp tục đưa vào luật quy hoạch cho rõ. Cho nên việc này Chính phủ phải thực hiện, không ai làm thay được.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Xem xét lại trách nhiệm của những người chỉ huy

Dư luận cũng nói rất nhiều về việc mặc dù nhà nước đã đầu tư trụ sở mới cho các cơ quan hành chính nhà nước của các bộ, ngành. Nhưng cũng có những đơn vị không muốn chuyển hẳn mà muốn giữ lại để chuyển đổi công năng sử dụng. Ví dụ như lấy lý do để lại một bộ phận làm công tác nghiên cứu, bảo tồn… Tôi cho rằng cần phải xem xét thực hiện đúng đề án, nếu không sẽ thành ra bắt cá hai tay. Đồng thời xem xét lại trách nhiệm của những người chỉ huy có liên quan, người đứng đầu để thực hiện công tác này.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Chính phủ phải kiên quyết

Về việc di dời cơ quan hành chính ra xa nội đô, các cơ quan bộ, ngành đã nhận trụ sở mới nhưng lại chưa trả lại trụ sở cũ là một vấn đề mà Chính phủ, Bộ Tài chính cần phải xem xét. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cũng đã quy định rất rõ. Tài sản thì vẫn là của nhà nước, nhưng cùng lúc sử dụng hai trụ sở một cách không cần thiết thì không những gây lãng phí mà còn làm giảm hiệu quả kinh tế. Vấn đề này, trước hết là Bộ Tài chính phải vào cuộc làm rõ, sau đó là Chính phủ phải kiên quyết yêu cầu các bộ, ngành trong đề án có quy định sau khi nhận trụ sở mới thì phải bàn giao lại trụ sở cũ. ĐỨC THÀNH - XUÂN HẢI

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn