MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu di tích lịch sử Quốc gia Tân Trào với vẻ đẹp bình yên, gần gũi thiên nhiên và mang trong mình những giá trị lịch sử, tâm linh đặc biệt.

Di tích lịch sử Tân Trào, điểm đến trên hành trình du xuân

Nguyễn Tùng LDO | 27/01/2023 10:19

Tuyên Quang - Không chỉ mang trong mình những giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng và là địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn, quần thể di tích lịch sử Quốc gia Tân Trào còn là một điểm đến được nhiều người lựa chọn trong chuyến du xuân đầu năm.

Tranh thủ những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Thu Trang (Đông Anh, Hà Nội) cùng gia đình đã vượt qua hơn 130km để về thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia Tân Trào. Đây cũng là dịp du xuân đầu năm của cả nhà.

Theo chị Trang, Khu di tích Tân Trào không quá xa Hà Nội, đường đi giờ cũng thuận lợi hơn rất nhiều nên đây là một điểm đến khá hợp lý khi chỉ có thể đi trong ngày. Ở đây có nhiều cây xanh, không khí trong lành phù hợp cho gia đình trải nghiệm.

"Những lần trước thì mình đến Tân Trào với cơ quan theo hình thức về nguồn. Thấy cảnh đẹp, yên bình và đặc biệt là mang nhiều ý nghĩa tâm linh, giáo dục lịch sử nên hôm nay cho các cháu nhỏ đi để trải nghiệm, có thêm hiểu biết" - chị Trang chia sẻ.

Làng Tân Trào với nhiều di tích lịch sử đang dần chuyển mình nhờ hoạt động du lịch cộng đồng, trải nghiệm. 

Với chị Huỳnh Bảo Lê (tỉnh Đồng Nai) thì khác, trong hành trình đến với các tỉnh miền núi phía Bắc du xuân năm nay, chị Lê đã chọn Khu di tích Tân Trào là điểm đến đầu tiên sau khi cả đoàn xuống máy bay.

Chị Lê cho biết: "Mình đã tìm hiểu và được biết về giá trị lịch sử, tâm linh của khu di tích Tân Trào. Hôm nay cùng mọi người đến thắp nén nhang thơm, tỏ lòng thành kính với các vị tiền bối. Mình cũng thấy phong cảnh ở đây rất đẹp, gần gũi thiên nhiên".

Đến với Tân Trào, du khách sẽ được tham quan và tìm hiểu về nhiều địa danh nơi đã gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng trong giai đoạn trước năm 1945 cũng như thời kỳ kháng chiến chống Pháp như Cây đa Tân Trào, Đình Hồng Thái, Đình Tân Trào, Lán Nà Nưa...

Đình Tân Trào - nơi đã diễn ra Quốc dân Đại hội Tân Trào (16.8.1945) - sự kiện được xem như tiền thân của Quốc hội ngày nay để phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước được nhiều du khách tìm đến. 

Hiện nay, Tuyên Quang có hơn 650 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng. Trong đó, 182 di tích đã được xếp hạng quốc gia và 259 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. 2 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và được xem là “địa chỉ đỏ” là Khu di tích lịch sử Kim Bình (Chiêm Hóa), Khu di tích lịch sử Tân Trào.

Chỉ riêng năm 2022, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đón hơn 750 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, chiếm gần 90% tổng lượng du khách đến Tuyên Quang, góp phần cho sự phát triển của các ngành dịch vụ lưu trú, ẩm thực.

Nếu như trước đây, tour du lịch về nguồn chủ yếu dành cho các cựu chiến binh, gia đình cách mạng, thân nhân liệt sĩ... thì những năm gần đây, loại hình du lịch này ngày càng thu hút giới trẻ tham gia như là một dịp để tìm hiểu về lịch sử dân tộc.

Cây đa Tân Trào - nơi chứng kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản quân lệnh số 1 như lời hiệu triệu quân dân cả nước vùng dậy đánh đuổi giặc Pháp giành lấy quyền độc lập. 

Ông Lê Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, du lịch gắn với các di tích lịch sử luôn được địa phương chú trọng đưa vào định hướng chiến lược phát triển du lịch.

Những năm gần đây, nhiều biện pháp phát huy tiềm năng của các điểm di tích lịch sử, cách mạng, phát triển sản phẩm du lịch về nguồn đã được các ngành chức năng triển khai.

Cũng theo ông Sơn, dịp đầu xuân, địa phương tập trung quảng bá và kết hợp các tour du lịch lễ hội gắn với điểm đến là các di tích lịch sử; tăng cường đầu tư về hạ tầng dịch vụ, kết nối với các tỉnh lân cận, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch về nguồn để tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn