MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tới đây đi xe gắn máy dưới 50 phân khối và xe máy điện sẽ phải có bằng lái. Ảnh: PV

Đi xe máy điện, xe máy dưới 50 phân khối sẽ phải có bằng lái: Hạn chế tình trạng học sinh lạm dụng gây mất an toàn giao thông

Phạm Đông - Đức Văn LDO | 19/12/2020 13:27

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong nhóm giải pháp về người điều khiển phương tiện có nêu, tới đây người đi xe đạp điện, xe gắn máy có động cơ dưới 50 cm3 phải thi giấy phép lái xe. Đây được coi là một bước tiến lớn trong việc thay đổi ý thức người tham gia giao thông, đặc biệt là các em học sinh.

Phụ huynh, học sinh tán thành

Theo ghi nhận của Lao Động ngày 18.12 tại khu vực cổng trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội), có nhiều học sinh sử dụng phương tiện giao thông là xe đạp điện, xe gắn máy dưới 50 phân khối. Vào khung giờ tan học buổi trưa, nhiều học sinh tỏa ra các hướng trên tuyến đường. Đa số các học sinh tại trường đều tuân thủ quy định, luật an toàn giao thông như đội mũ bảo hiểm, không chở quá số người quy định. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều học sinh “quên” không đội mũ bảo hiểm, đứng thành từng top tại cổng trường.

Nói về việc đi xe gắn máy dưới 50 phân khối và xe máy điện sẽ phải có giấy phép lái xe, em Nguyễn Minh Hồng, học sinh lớp 12 Lý - Trường THPT Chu Văn An cho biết: “Theo em, việc cấp bằng lái là rất quan trọng bởi nhiều bạn đi những xe có phân khối thấp hay xe máy điện nhưng vẫn không tuân thủ luật như đi qua tốc độ, không đội mũ bảo hiểm và vượt đèn đỏ. Việc có bằng lái để giám sát được các bạn tốt hơn”.

Cùng quan điểm như vậy, em Nguyễn Trọng Nghĩa lớp 12 Anh - Trường THPT Chu Văn An cho biết thêm: “Điều này thực sự cần thiết đối với bọn em vì nhiều bạn thực sự đang không chú trọng vào vấn đề an toàn khi điều khiển phương tiện. Do đó khi cấp bằng lái ít ra cũng đảm bảo về việc biết luật và ý thức thức tham gia giao thông an toàn hơn”.

Bà Lưu Bích Liên (43 tuổi, trú tại đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình), hiện đang kinh doanh tại cổng Trường THPT Chu Văn An cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất đi xe gắn máy dưới 50 phân khối và xe máy điện sẽ phải có bằng lái, đặc biệt đối với học sinh. Bởi ở độ tuổi này, các em đang phát triển, thích thể hiện bản thân nên cần có bằng lái mới được phép sử dụng phương tiện”.

Theo bà Liên, bên cạnh việc cấp bằng lái cho những đối tượng này, nhà trường cùng các phụ huynh cần phải thường xuyên bổ sung thêm cho các em kiến thức về Luật Giao thông đường bộ để các em chấp hành khi tham gia giao thông.

Ghi nhận cùng ngày, tại cổng trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội), có khá nhiều học sinh của trường sử dụng những chiếc xe máy có phân khối thấp và xe máy điện. Đa phần, các bạn học sinh đều chấp hành việc đội mũ bảo hiểm, tuy nhiên vẫn có trường hợp học sinh không đội. Khi được hỏi về việc cấp bằng hầu hết các bạn được hỏi đều tán thành với vấn đề được đưa ra.

Có thời gian, lộ trình và chương trình hợp lý

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, tới đây người đi xe đạp điện, xe gắn máy có động cơ dưới 50cm3 phải thi giấy phép lái xe, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trước đây xe gắn máy dưới 50 phân khối và xe máy điện không bắt buộc phải có bằng lái. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian gần đây thì hai loại phương tiện giao thông này là khá phổ biến và cũng đã xảy ra nhiều vụ việc tai nạn giao thông liên quan đến loại phương tiện này. Bởi vậy việc nghiên cứu, tính toán đưa ra những quy định về điều kiện điều khiển hai loại phương tiện này là cần thiết để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Những loại phương tiện này có tốc độ di chuyển không cao, tuy nhiên đây cũng được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Do đó, phương tiện này hoàn toàn có thể gây ra tai nạn và có thể trở thành nạn nhân trong các vụ tai nạn.

Theo luật sư Cường, người điều khiển các phương tiện này thường là học sinh, sinh viên, những người chưa có nhiều kỹ năng trong việc điều khiển phương tiện, kỹ năng, kinh nghiệm tham gia giao thông. Do đó, ý thức chấp hành Luật giao thông của nhóm đối tượng này cũng chưa tốt. Bởi vậy, việc quy định người điều khiển các loại phương tiện này cần phải có giấy phép lái xe là cần thiết. Tuy nhiên, nội dung chương trình đào tạo, thời gian đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe cho nhóm đối tượng này như thế nào thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để có nội dung và thời gian phù hợp.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, lộ trình thực hiện sẽ theo các bước luật hóa đến xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn. Các quy định về giấy phép lái xe với xe máy điện, xe máy dưới 50 phân khối đang được đề xuất trong luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Sau khi luật được thông qua, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.

Theo ông Hùng, hiện xe đạp điện vẫn chưa được quy định là phương tiện cơ giới nên không cần giấy phép lái xe. Tuy nhiên, nếu được đưa vào luật như xe cơ giới, thì xe đạp điện sẽ phải tính đến giới hạn độ tuổi người được điều khiển và các quy định kèm theo như xe máy hiện nay.

Sáng 18.12, Cục CSGT (Bộ Công an) phối hợp UBND quận Ba Đình triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Cổng trường học an toàn giao thông”. Tại buổi lễ đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, Hà Nội hiện có 2.800 trường học với hơn 2,1 triệu học sinh. Hiện nay, vẫn còn tình trạng phụ huynh đưa đón con đi học dừng, đỗ xe ngay dưới lòng đường, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, thậm chí có học sinh điều khiển xe mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi... Phạm Đông - Đức Văn

* Nói về việc tới đây người đi xe đạp điện, xe gắn máy có động cơ dưới 50cm3 phải thi giấy phép lái xe, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, đây là điều rất cần thiết và hoàn toàn ủng hộ. Theo luật sư, dù là học sinh hay sinh viên thì khi điều khiển 1 loại phương tiện nào đó như đạp điện, xe gắn máy có động cơ dưới 50 phân khối cũng là tham gia giao thông. Do đó, tất cả mọi người cần phải có hiểu biết về pháp luật, Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, nhà nước cần quy định tốc độ loại xe đạp điện được phép lưu thông. Bởi hiện nay có rất nhiều người chạy xe đạp điện với tốc độ cao, trong khi kết cấu loại xe này rất đơn giản nên nguy cơ tai nạn rất cao.

* Trao đổi với PV Báo Lao Động về việc sắp tới đây người đi xe đạp điện, xe gắn máy có động cơ dưới 50cm3 phải thi giấy phép lái xe, một lãnh đạo Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đây là việc rất cần thiết.

Đồng thời, nhà nước cần quy định tốc độ loại xe đạp điện được phép lưu thông. Bởi hiện nay có rất nhiều người chạy xe đạp điện với tốc độ cao, trong khi kết cấu loại xe này rất đơn giản nên nguy cơ tai nạn rất cao. Tr.X

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn