Ngày 22.7, trong bản tổng hợp về các kiến nghị của địa phương gửi tới Bộ Tư pháp 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh Tiền Giang phản ánh: Phần mềm hộ tịch thường xảy ra lỗi dẫn đến số liệu báo cáo không chính xác; một số biểu mẫu hộ tịch chưa có sự thống nhất giữa tờ khai, mẫu và sổ hộ tịch (xác nhận tình trạng hôn nhân, khai tử...). Đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm, sớm chỉnh sửa, nâng cấp phần mềm.
Trong khi đó, UBND TP Cần Thơ đề nghị Bộ Tư pháp sớm cập nhật địa danh hành chính còn thiếu trên phần mềm khai sinh điện tử để địa phương cập nhật, số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử đúng tiến độ; khắc phục tình trạng phần mềm khai sinh điện tử thường bị lỗi, việc cấp số định danh cá nhân đôi lúc còn chậm ảnh hưởng đến việc trả kết quả cho công dân.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Tư pháp cho biết, từ cuối tháng 9.2023, Bộ Tư pháp đã bổ sung, tích hợp hạ tầng mới vào Trung tâm Dữ liệu điện tử của Bộ, tối ưu hoá một số chức năng của phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử, tăng cường các biện pháp giám sát Hệ thống để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đã triển khai cơ bản xong Dự án "Đầu tư Hạ tầng Trung tâm Dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp", đang triển khai Dự án “Xây dựng Cơ sở Dữ liệu hộ tịch” nhằm nâng cấp Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí hạ tầng kỹ thuật để tối ưu hoá hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung, đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc về kỹ thuật thông qua các nhóm tương tác với địa phương.
Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương chủ động phối hợp tập huấn, hướng dẫn để công chức có kỹ năng sử dụng Phần mềm ký số thành thục hơn, xử lý được các lỗi cơ bản.
"Trường hợp phát sinh địa danh hành chính trong phần mềm hộ tịch 158 nhưng chưa được cập nhật, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tập hợp gửi Bộ Tư pháp (Cục Công nghệ thông tin) để xử lý" - phía Bộ Tư pháp cho biết.