MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dịch COVID-19 cùng nỗi lo của người dân làng vàng mã trước lễ ông Táo

ĐỨC ĐÔNG - MINH ÁNH LDO | 01/02/2021 14:00

Hàng năm, những ngày cận kề lễ ông Công ông Táo, người dân sản xuất vàng mã ở làng Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) phải làm việc liên tục để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 hiện tại khiến không khí buôn bán tại đây trở nên trầm lắng.

Không chỉ nổi tiếng với tranh dân gian Đông Hồ, làng Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) còn được biết tới là "đại công xưởng sản xuất vàng mã" lớn nhất nước. Vào những dịp lễ tết, nơi đây luôn tấp nập xe cộ qua lại, nối đuôi nhau vào làng chở hàng đi khắp cả nước.

Các sản phẩm vàng mã phục vụ nhu cầu ngày lễ ông Công ông Táo đang chờ được xuất đi. Ảnh: Minh Ánh

Tuy nhiên, những ngày gần đây do dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền bắc, khiến sản lượng tiêu thụ các sản phẩm tâm linh có giảm đi so với mọi năm.

Ghi nhận của Lao Động những ngày gần đến ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp, người dân ở làng Song Hồ đang "chạy đua" để tiêu thụ nốt những hàng còn tồn trước khi đóng cửa đón Tết.

Bà Phạm Thị Thao (42 tuổi) chủ cơ sở sản xuất vàng mã Lam Thao đang hoàn thiện 1 bộ đồ cúng ông Công ông Táo.

Các sản phẩm của người làng Song Hồ với nhiều mẫu mã đa dạng cùng với đó rất có uy tín và được ưa chuộng, nên đồ vàng mã nơi đây có mặt ở nhiều vùng của miền Bắc phục vụ nhu cầu cúng lễ ở đền, phủ, miếu.

Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Thao (42 tuổi) chủ cơ sở sản xuất vàng mã Lam Thao cho biết nhưng ngày trước khi dịch bùng trở lại khách hàng từ các tỉnh lận cận tới đặt mua liên tục, toàn bộ nhân công ở đây phải hoạt động liên tục từ sáng tới tối.

Người dân đang hoàn thiện từng công đoạn để có thể cho "ra lò" các sản phẩm hoàn chỉnh.

"Có thời điểm phải có 10 người làm việc liên tục mới có thể đáp ứng đủ hàng hóa cho khách hàng. Thế nhưng, do dịch mấy ngày nay các sản phẩm này bị tiêu thụ chậm do hạn chế đi lại giữa các tỉnh với nhau", bà Thao chia sẻ thêm.

Nơi đây không chỉ sản xuất đồ mã phục vụ cho các tỉnh trong nước, đồ mã của nơi đây còn được xuất sang các nước khác như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông.

Những sản phẩm vàng mã đang được người dân vận chuyển đi tiêu thụ.

Mặc dù đa dạng về mặt hàng, buôn bán nhộn nhịp nhưng đa số người dân trong xã đều cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhu cầu năm nay có dấu hiệu đi xuống, chỉ có ngày lễ là tăng. Bên cạnh đó, giá chi phí nguyên liệu đầu vào tăng nên lãi cũng không được nhiều như trước đây.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (54 tuổi) đã làm vàng mã hơn 20 năm chia sẻ rằng, việc vận chuyển hàng phục vụ cúng lễ đã diễn ra nhộn nhịp từ nhiều ngày trước nhưng trước 23 tháng Chạp vài ngày, việc buôn bán sản xuất ở đây trầm lắng hẳn do ảnh hưởng gần đây của dịch COVID-19.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (54 tuổi) đã làm vàng mã hơn 20 năm chia sẻ rằng việc vận chuyển hàng phục vụ cúng lễ đã diễn ra nhộn nhịp từ nhiều ngày trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Theo quan sát, mỗi bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo bao gồm mũ cánh chuồn, hia, quần áo đều được làm từ giấy, người Song Hồ làm rất nhanh và mẫu mã đẹp nên rất được ưu chuộng. Giá mỗi bộ dao động từ 35.000 đồng đến 300.000 đồng/bộ tùy chất liệu và kích cỡ.

Các sản phẩm vàng mã ở đây với nhiều mẫu mã.

Ngoài các mẫu mã cơ bản, nhiều hộ gia đình ở đây cho biết, "trần sao âm vậy" nên ở đây không thiếu thứ gì. Từ biệt thự, xe hơi, điện thoại... Chỉ có vấn đề là nếu khách cần hàng độc, số lượng lớn thì phải đặt trước. Còn hàng thông thường, số lượng nhỏ lẻ luôn có sẵn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn