MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTBC

Dịch COVID-19 ở TPHCM tương tự cuối tháng 6, chủ quan sẽ dẫn đến hậu quả

MINH QUÂN LDO | 13/11/2021 18:34

TPHCM – Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, tình hình F0 hiện tại của TPHCM đang tương tự thời kì đầu TPHCM thực hiện Chỉ thị 10 (cuối tháng 6.2021). Điều thấy rõ nhất là do TPHCM không còn thực hiện biện pháp giãn cách xã hội như trước.

Nếu người dân đều chủ quan thì sẽ dẫn đến hậu quả

Ngày 13.11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, dựa trên đánh giá tình hình dịch bệnh trong thời gian gần đây, có thể thấy, số F0 trên địa bàn Thành phố đang tăng và thực tế còn nhiều hơn số liệu đã thống kê.

Theo ông Nên, mặc dù Thành phố đã phát hiện các ca dương tính qua tầm soát tại bệnh viện, xét nghiệm ngẫu nhiên, xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm nhưng chúng ta không thể nắm hết được mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng.

Qua phân tích của Sở Y tế tại cuộc họp, tỉ lệ F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ là trên 90%, riêng tỉ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong có tăng nhẹ. Đặc biệt, số ca nhập viện cao hơn số ca xuất viện. “Nếu tình trạng này cứ kéo mãi thì không ổn. Do đó, từng địa bàn cần tính toán lại con số này để có phấn đấu, điều chỉnh bằng hành động” – ông Nguyễn Văn Nên lưu ý.

Từ diễn biến trên, người đứng đầu Thành ủy TPHCM nhận định, tình hình F0 hiện tại của TPHCM đang tương tự thời kì đầu TPHCM thực hiện Chỉ thị 10 (cuối tháng 6.2021), khá giống tình trạng Singapore giai đoạn tháng 7, tháng 8 cũng như xu hướng diễn biến của dịch bệnh của thế giới hiện nay. Tức là, nhiều nước dù có nền tảng y tế, tốc độ tiêm vaccine tốt nhưng khi mở cửa, nới lỏng giãn cách thì dịch bệnh lại bùng phát.

Bàn về lý do khiến số lượng F0 gia tăng, ông Nguyễn Văn Nên cho biết nguyên nhân thấy rõ nhất là TPHCM không còn thực hiện biện pháp giãn cách xã hội như trước. Việc tăng tiếp xúc trực tiếp trong cộng đồng đã dẫn đến việc lây nhiễm khó kiểm soát và kéo giảm như mong muốn.

Thống kê cho thấy, nguồn lây chủ yếu từ nguồn người lao động dịch chuyển tại các Khu công nghiệp, doanh nghiệp, lao động tự do hoạt động tại các chợ tự phát,… Vì vậy, Sở Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá. Riêng các địa phương khi phát hiện F0 phải điều tra nguồn lây để có biện pháp kéo giảm.

Nhiều người dân đến vui chơi tại các địa điểm trung tâm TPHCM bắt đầu lơ là phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Vũ

Trước diễn biến dịch bệnh như hiện tại, có 2 vấn đề buộc TPHCM phải suy nghĩ. Thứ nhất, số lượng F0 có thể tăng đến mức độ nào? Thứ 2, tỉ lệ ca tử vong mà Thành phố có thể chấp nhận là bao nhiêu?

Người đứng đầu Thành ủy cho rằng, so với giai đoạn thực hiện Chỉ thị 10, TPHCM đã có tỉ lệ phủ vaccine cao hơn, có thuốc điều trị, có kinh nghiệm phòng chống dịch cùng các điều kiện đáp ứng tốt hơn. Tuy nhiên, chính quyền TPHCM không được vì thế mà chủ quan và lan rộng sự chủ quan đó ra ngoài cộng đồng. “Nếu từng người dân đều chủ quan thì sẽ dẫn đến hậu quả” – ông Nên nhấn mạnh.

Hiện tại, mục tiêu chính của TPHCM là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; phục hồi phát triển kinh tế, xã hội; phục hồi đời sống, sinh hoạt của cộng đồng. Trong đó, việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân được đặt lên trên hết.

“Quan điểm quốc gia là thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả. Làm như thế nào, thích ứng linh hoạt ra sao cho an toàn và hiệu quả, đó cũng là thử thách” - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết.

Tính toán phục hồi lại các bệnh viện dã chiến

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu, tất cả các quy định, Nghị quyết, Chỉ thị, chủ trương, chính sách từ cấp trên phải được cụ thể thành các văn bản, trong đó nêu rõ quy định, tiêu chí, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của từng cá nhân, đơn vị. Nhờ vậy, mỗi người đều biết ai phải làm gì, làm tới đâu và làm như thế nào.

Cụ thể, tại các cơ sở kinh doanh, cần có bộ tiêu chí kiểm soát cụ thể, quy định rõ ràng chủ cửa hàng phải làm gì, khách đến cửa hàng kiểm soát ra sao, mình giám sát như thế nào, khi vi phạm sẽ xử lý những gì,… Từ đó, mỗi người biết được nhiệm vụ của bản thân để làm đúng và chấp hành.

Về củng cố hệ thống y tế, Bí thư TPHCM đề nghị Sở Y tế tiếp tục hoàn thiện các quy định, kịp thời báo cáo với cấp trên. Trong đó, cần đề cập chế độ chính sách trạm y tế, tổ y tế cộng đồng; phương án huy động sức mạnh các nguồn lực công, tư, thiện nguyện; quy định rõ về vắc xin, xét nghiệm, thuốc, đường dây nóng, công tác thu dung điều trị;…

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn F0 tại nhà cần được thực hiện rõ ràng, giúp người dân hiểu nên làm gì khi biết bản thân nhiễm bệnh. Các địa phương cũng cần rà soát, kiểm tra số F0 đang điều trị tại nhà để quản lý và hỗ trợ.

Trước thực trạng ngành y tế phải bàn giao lại trường học cho các cơ sở giáo dục dẫn đến việc thu dung khó khăn, địa phương cần tính toán phục hồi lại các bệnh viện dã chiến. Bởi, số F0 là lao động tự do, sinh sống tại khu nhà trọ không có điều kiện cách ly tại TPHCM còn rất nhiều.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, lãnh đạo Thành ủy TPHCM yêu cầu, nhóm thuộc về kinh tế - xã hội cần quan tâm, bám sát đời sống, nhu cầu thực tế của người dân, đặt người dân là mục tiêu, trung tâm để phục vụ. Từ đó, tạo thuận lợi trong đời sống, sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn