MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đến khám bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương (Quảng Nam). Ảnh: Hoàng Bin

Dịch đau mắt đỏ bùng phát, thuốc điều trị tăng giá 33% vẫn khan hiếm

Thùy Linh - Hoàng Bin LDO | 19/09/2023 06:15

Số ca bệnh đau mắt đỏ đang tăng đột biến tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là sau khi học sinh tựu trường. Trong khi đó, tình trạng thiếu thuốc, thậm chí là cạn kiệt nguồn thuốc điều trị bệnh đang xảy ra ở nhiều nơi.

Lan nhanh, rộng tại nhiều tỉnh thành

Ghi nhận của Lao Động, tại Khoa Mắt của Bệnh viện Nhi Trung ương, khoảng 1 tháng nay, ngày nào cũng trong tình trạng chật kín bệnh nhi. Đa phần trẻ đến khám vì đau mắt đỏ.

Thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) đến khám. Trung bình 100 ca khám có khoảng 30 ca đau mắt đỏ. Riêng tuần vừa qua là 800 ca, có một số ca biến chứng do đau mắt đỏ.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh...

Tại TP Hồ Chí Minh, theo ghi nhận của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố tăng cao so với các năm gần đây. Đơn cử, tổng số ca viêm kết mạc (đau mắt đỏ) tại thành phố ghi nhận trong ngày 13.9 là 3.840 ca, trong đó có 2.238 ca trẻ em dưới 16 tuổi (tăng 253 ca).

Theo Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 17.9, huyện ghi nhận hơn 4.700 ca bệnh đau mắt đỏ. Đáng lo ngại là học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ chiếm tỉ lệ rất cao, nhất là học sinh Tiểu học và THCS (gần 3.000 ca).

Chị Lê Thị Thu H (phụ huynh học sinh Trường THCS Trần Cao Vân, huyện Núi Thành) cho biết, ngay tuần học đầu tiên con chị đã bị lây đau mắt đỏ từ bạn cùng lớp.

“Tuần trước, giáo viên chủ nhiệm thông báo trong nhóm Zalo phụ huynh cảnh báo dịch mắt đỏ, thì ngay tuần sau đã có hàng loạt em mắc bệnh. Con trai tôi phải xin nghỉ học ở nhà điều trị, để tránh lây lan cho các bạn khác” - chị H cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Minh Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Nam - cho hay, từ giữa tháng 8 đến nay, số bệnh nhân đau mắt đỏ đã tăng lên 35-40%/ngày, thậm chí có ngày lên đến 50% trong đó trẻ em dưới 18 tuổi chiếm khoảng 70%.

Thiếu thuốc trong bệnh viện, cửa hàng thuốc cũng khan hiếm, có nơi “cháy hàng”

Khảo sát của phóng viên Lao Động tại nhiều nhà thuốc trên địa bàn Thành phố Hà Nội cho thấy, thuốc điều trị đau mắt đỏ được người dân hỏi mua khá nhiều, có dấu hiệu tăng giá và khan hiếm trong thời gian gần đây.

Tại hiệu thuốc H.Đ (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), người bán hàng thông tin, hiện nay tại cửa hàng chỉ còn một vài loại thuốc điều trị đau mắt đỏ thông thường, chủ yếu là hàng nội, một số mặt hàng nhập ngoại đã hết.

Nhiều cửa hàng thuốc khác cũng cho thấy, thuốc điều trị đau mắt đỏ đã tăng giá trong thời gian gần đây, có dấu hiệu khan hiếm. Đơn cử, thuốc Oflovid nếu trước kia có giá khoảng 58-60.000 đồng thì nay đã tăng lên 80.000 đồng/lọ.

“Giá nhập vào tăng thì chúng tôi phải bán giá tăng hơn thôi” - chủ cửa hàng thuốc ở thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội nói. Trong khi đó, thuốc tương tự là Ofloxacin trong nước sản xuất chỉ có giá 12.000 đồng. Một số loại thuốc khác như Pandex có giá 30.000 đồng/lọ, Hexami hay Tobrex được bán với giá dao động từ 45- 50.000 đồng/lọ, nhưng không có hàng để bán.

“Các loại thuốc điều trị đau mắt đỏ đang có dấu hiệu tăng giá, một số loại đã khan hiếm. Do nhiều người mắc bệnh, có gia đình tự mua thuốc về điều trị”- chủ cửa hiệu thuốc ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội chia sẻ.

Tại tỉnh Quảng Nam, tình trạng thiếu thuốc điều trị đau mắt đỏ còn đang diễn ra ngay tại các cơ sở y tế công lập, nhiều loại thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả hiện không còn.

Theo TTYT huyện Bắc Trà My, bệnh đau mắt đỏ xuất hiện và lây lan nhanh khiến nhu cầu mua thuốc nhỏ mắt để điều trị tăng mạnh, nguồn thuốc nhỏ mắt tại đơn vị đã hết từ nhiều tháng. Nhưng hiện kết quả đấu thầu thuốc cho năm 2023 vẫn chưa có. Các quầy thuốc tây trên địa bàn cũng đang trong tình trạng “cháy hàng” thuốc nhỏ mắt.

“Chúng tôi đã liên hệ đặt hàng với các đầu mối cung cấp nhưng nhận được phản hồi là dịch đau mắt đỏ xuất hiện khắp cả nước, nhu cầu về thuốc này quá lớn, không biết bao giờ mới có hàng” - chủ quầy thuốc tây Quang Hùng tại thị trấn Trà My cho biết.

Tương tự, tại Bệnh viện Mắt Quảng Nam, khi được chẩn đoán đau mắt đỏ do virus, người dân phải tự mua thuốc theo đơn của bác sĩ để điều trị. Thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế tại đơn vị này dành để điều trị đau mắt đỏ cũng không còn.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Thu, người dân không nên tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt. Bởi nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh hoặc hợp chất Corticoid có thể gây nên tình trạng khô, rát, tổn thương cho mắt, kéo dài thời gian điều trị.

Nếu phát hiện chậm hoặc đưa ra phương án chữa trị không hợp lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, viêm giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài. Vì vậy, không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn