MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các trường học tại TP. Hà Nội đang tích cực tổng dọn vệ sinh, phun thuốc muỗi phòng tránh dịch đau mắt đỏ và sốt xuất huyết. Ảnh: Trường Tiểu học Lômônôxốp Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Dịch đau mắt đỏ tấn công trường học, lây lan chóng mặt

Minh Huệ LDO | 24/09/2023 21:26

Rất nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội và các thành phố khác ở miền Bắc đang bị dịch đau mắt đỏ tấn công.

Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, thường bắt đầu ở một mắt, sau lan sang mắt còn lại.

Hiện nay, theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, rất nhiều trường học liên tục gia tăng số học sinh bị đau mắt đỏ.

Hàng loạt trường tiểu học, trung học cơ sở ở Thanh Trì bị dịch đau mắt đỏ tấn công, lan nhanh diện rộng. Có lớp 42/47 học sinh bị đau mắt đỏ, điển hình một lớp 5 trường tiểu học, cả lớp đều đau mắt đỏ. Đáng nói, dù nhà trường khuyến cáo, những học sinh đau mắt đỏ vẫn đi học bình thường khiến dịch lây lan nhanh.

Chị Lê Thị Hồng Oanh - giáo viên tại trường THCS Phú Diễn A (Hà Nội) vừa nhập viện điều trị đau mắt đỏ kèm sốt xuất huyết. Chị cho hay, trong lớp hiện có 10 học sinh bị đau mắt đỏ và đang được điều trị tại nhà.

Bản thân chị cũng vệ sinh mắt hằng ngày bằng nước muối sinh lý, tuy nhiên, có thể do đi làm xa, quãng đường nhiều bụi nên chị đã bị đau mắt đỏ lúc nào không hay.

Ngay khi đi khám, chị đã chủ động xin nhập viện để tránh lây lan bệnh cho các thành viên khác trong gia đình.

Chị Lê Thị Hồng Oanh (áo dài đỏ) - Giáo viên trường THCS Phú Diễn A, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Anh Phạm Văn Hải, cán bộ công tác tại Bệnh viện Đa khoa An Việt (Trường Chinh, Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, trong một tuần gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám mắt quá tải.

Tuy nhiên, bệnh viện không nhận điều trị nội trú cho các ca nặng bởi sợ lây nhiễm chéo và không đủ giường bệnh.

Anh Phạm Văn Hải (Bệnh viện Đa khoa An Việt). Ảnh: NVCC

Theo các chuyên gia, bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch, đặc biệt là ở giai đoạn giao mùa thời tiết thay đổi liên tục trong ngày.

Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh đau mắt đỏ, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi.

Không chỉ riêng ở Hà Nội mà nhiều tỉnh thành khác, dịch đau mắt đỏ cũng đang tấn công.

Chị Lê Thị Bích Hồng, phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Liên Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết, lớp con chị có 8/28 học sinh bị đau mắt đỏ, trong đó có con trai chị sinh năm 2019.

Hiện con đang nghỉ học ở nhà để điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Chị cho hay, nhà trường đã có thông báo đến phụ huynh các lớp, nếu học sinh có biểu hiện đau mắt đỏ cần theo dõi và cho trẻ ở nhà.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính và ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh cũng ảnh hưởng nhiều đến việc sinh hoạt, học tập và lao động.

Nếu không điều trị dứt điểm, đau mắt kéo dài có thể gây biến chứng, ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Trước tình hình dịch bệnh chung, các nhà trường đã tổ chức công tác tổng vệ sinh, phun thuốc muỗi. Đồng thời tuyên truyền đến toàn thể giáo viên, học sinh các biện pháp vệ sinh cơ thể phòng tránh dịch bệnh cũng như việc đi khám và điều trị kịp thời nếu bị đau mắt đỏ.

Công tác tổng vệ sinh tại các trường học để phòng dịch đau mắt đỏ và sốt xuất huyết. Ảnh: Trường Tiểu học Lômônôxốp Mễ Trì, Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn