MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lợn bệnh nằm liệt trong chuồng nhà dân. Ảnh: Thùy Linh

Dịch lở mồm long móng ở Hà Nội: Do người dân không tiêm vắc xin?

Thùy Linh LDO | 22/12/2018 16:01

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP. Hà Nội khẳng định với Báo Lao Động về dịch lở mồm long móng (LMLM) ở huyện Ba Vì và cho rằng, chỉ có mấy ổ dịch nhỏ lẻ và xảy ra ở lợn thương phẩm. Tuy nhiên, thực tế thì người dân đang rất khốn đốn với dịch LMLM đối với đàn lợn trên địa bàn huyện.

Chỉ hỗ trợ vắc xin cho lợn nái và đực giống

Lý giải nguyên nhân về tình trạng này, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng thực tế là do đàn lợn thương phẩm này, thành phố không hỗ trợ vắc xin nên dịch mới xảy ra. Về tiêm vắc xin LMLM, thành phố hỗ trợ tiêm cho toàn bộ đàn trâu bò, đàn lợn nái và đực giống, nên rất an toàn. Nhưng đối với lợn thương phẩm, thời gian nuôi rất ngắn, người dân bán sớm nên thực tế, lợn này ít được tiêm vắc xin LMLM.

"Dịch chỉ xảy ra ở mấy ổ dịch một số xã. Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra dịch, Chi cục Thú y cùng huyện đã xử lý rồi. Việc người dân phản ánh cũng chỉ là một chiều thôi"- ông Sơn quả quyết. 

Ông Sơn cho rằng: "Dịch LMLM năm nay, nếu như tổ chức tiêm phòng tốt thì không có vấn đề gì, nhưng nếu không tổ chức tiêm phòng, có khả năng dịch xảy ra. Năm nay, có 2 biến chủng, chúng tôi đang nghiên cứu chủng virus thay đổi, có thể có những con lợn thương phẩm chết rất nhanh. Còn bình thường, qua mấy giai đoạn như ho, sốt, bỏ ăn, xuất hiện mụn nước, kéo dài thời gian".

Theo ông Sơn, hiện nay có những 7 tuýp lở mồm long móng. Dịch lây lan nhanh, biến chủng, gây chết nhanh mà nhất là xảy ra ở lợn thương phẩm, ở lợn không tiêm phòng. Còn đối với đàn trâu bò, đàn lợn nái, các trang trại chăn nuôi lớn chú ý việc tiêm phòng thì an toàn, còn không sẽ xảy ra dịch. 

Dịch không phát sinh mạnh nữa

"Ngay sau khi có dấu hiệu dịch, ngành thú y đã triển khai tiêm phòng toàn bộ đàn lợn trong diện tiêm phòng, thậm chí tiêm phòng cho đàn lợn thương phẩm ở các trang trại chăn nuôi lớn", ông Sơn nói và cho biết thêm, tại các trang trại, đến giờ phút này không phát sinh nhanh, không phát sinh mạnh dịch nữa. 

"Tôi và cán bộ chuyên môn đã trực tiếp lên tận nơi để triển khai công tác phòng chống dịch, vì vậy không có vấn đề gì lớn, việc xảy ra dịch ở một số hộ thì không thể tránh hết được. Chúng tôi đã phát động tổng tẩy uế trên địa bàn toàn thành phố, bắt đầu từ 15.10 đến 25.10.

Còn một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị dịch là cho tiêu hủy ngay. Chúng tôi đã tiêu hủy khoảng 216 con lợn. Đến bây giờ, với thời tiết này, nguy cơ sẽ xuất hiện một vài ổ dịch nhỏ lẻ nữa nhưng đối với các trại chăn nuôi lớn, với các gia đình có chăn nuôi lớn thì đã được bảo vệ một cách an toàn"- ông Sơn nói. 

Theo ông Sơn, những trại chăn nuôi lợn thuộc dạng lớn ở Ba Vì cũng chỉ vài ba trăm con thôi. "Tất cả những trại chăn nuôi lớn, tôi đã đổ quân về để bao vây dịch bệnh, để giúp họ rồi. Vì vậy, sẽ chỉ xảy ra những ổ dịch nhỏ lẻ thôi"- ông Sơn lý giải.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, những hộ chăn nuôi nhỏ cũng nuôi đến 70 con lợn, thậm chí có nhà nuôi đến 130 con, 300 con... 

Sau khi phóng viên đề cập đến những đàn lợn hơn 100 con, 70 con đã mắc bệnh mà chúng tôi ghi nhận được thì ông Sơn cho biết: "Vậy tôi phải cho cán bộ đi kiểm tra thôi, chứ tất cả các trại, tôi đã cho cán bộ về kiểm tra hết rồi".

Theo ông Sơn, cán bộ thú y thôn bản đều đi kiểm tra hàng ngày. Nếu kênh mương không may có con lợn con chết mà dân vứt ra, cán bộ thú y sẽ xử lý ngay. Cán bộ thú y hàng ngày phải cập nhật tình hình của thôn, báo cáo lên xã, lên huyện. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn