MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch lợn tai xanh, nạn châu chấu đe doạ ngành nông nghiệp Cao Bằng. Ảnh: Người dân cung cấp

Dịch lợn tai xanh, nạn châu chấu đe doạ ngành nông nghiệp Cao Bằng

Tân Văn LDO | 11/04/2023 15:15
Dịch tai xanh đã tấn công các đàn lợn trên địa bàn thành phố, cùng với đó hàng vạn con châu chấu đang phá hoại hoa màu.

Tại thành phố Cao Bằng, dịch bệnh tai xanh được ghi nhận xảy ra trên đàn lợn tại các xã Vĩnh Quang, Hưng Đạo và phường Ngọc Xuân.

Tính đến nay, gần 100 con lợn của 20 hộ chăn nuôi đã nhiễm bệnh. Ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống trên toàn địa bàn xảy ra dịch bệnh tai xanh.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Minh Đạt - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi (Sở NNPTNT tỉnh Cao Bằng) cho biết, đơn vị đã cung ứng để tiêm gần 4.000 liều vaccine phòng bệnh tai xanh cho đàn lợn ở các xã, phường có dịch; cấp 780 lít hóa chất để phun khử trùng tiêu độc tại các ổ dịch; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện cách ly lợn ốm để điều trị bệnh, tiêu hủy những con chết hoặc ốm nặng.

"Đến hiện tại, dịch tai xanh ở đàn lợn cơ bản được kiểm soát còn về nạn châu chấu gây hại hoa màu, Chi cục đã tham mưu Sở NNPTNT cùng UBND tỉnh ra các văn bản thông báo, hướng dẫn gửi tới người dân để tất cả mọi người luôn chủ động phòng ngừa" - ông Đạt nói.

Thời điểm hiện tại, các huyện Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình và thành phố Cao Bằng, nạn châu chấu đang gây hại trên cây nông nghiệp với mật độ phổ biến 50 - 100 con/m2, nơi cao cục bộ trên 800 con/m2, với tổng diện tích nhiễm bước đầu xác định khoảng hơn 42 ha.

Châu chấu là loại côn trùng đa thực có khả năng di chuyển nhanh, sức phá hại lớn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Trồng trọt tỉnh Cao Bằng, từ nay đến cuối tháng 5.2023, thời tiết nóng ẩm, trứng châu chấu tiếp tục nở, có thể phát sinh thành các ổ dịch châu chấu lớn gây hại mùa màng trên diện rộng.

Để phòng, trừ châu chấu đạt hiệu quả, các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan cần xây dựng phương án, huy động lực lượng sẵn sàng tham gia thực hiện phòng, chống dịch châu chấu tre lưng vàng trên địa bàn.

Cùng với đó, các phòng chuyên môn cần phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể tại địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tích cực thăm đồng, chủ động phát hiện sớm ổ dịch châu chấu; theo dõi tình hình, phạm vi phân bố, mật độ, diện tích nhiễm, khả năng lây lan của ổ dịch châu chấu và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời; cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn