MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
mục tiêu Chính phủ đưa ra là năm 2023, số lượng hồ sơ nộp trực tuyến sẽ đạt 50%. Ảnh: Hải Nguyễn

Dịch vụ công trực tuyến: Hồ sơ chưa nhiều, không biết tìm ai giải đáp thắc mắc

Đình Trường - Đức Mạnh LDO | 12/09/2023 06:33

Để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, việc giảm phí và lệ phí là việc làm cần thiết. Ngoài ra, cải thiện chất lượng, quy trình cung cấp dịch vụ theo hướng đơn giản cũng là giải pháp để thu hút thêm người dân, doanh nghiệp sử dụng.

Lợi ích cho người dân và doanh nghiệp

Thường xuyên phải xử lý hồ sơ, giấy tờ về thuế, hoá đơn, quản lý lao động... trên cổng dịch vụ công trực tuyến, anh Lê Ngọc Bảo - đại diện Công ty Thương mại thiết bị và công nghệ Thiên Phúc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - bày tỏ ủng hộ đề xuất giảm phí, lệ phí khi làm thủ tục online.

"Các doanh nghiệp luôn muốn các thủ tục được tiến hành nhanh gọn, tiết kiệm thời gian và mức phí hợp lý. Đơn vị chúng tôi trong ngành thiết bị cũng thường xuyên phải thực hiện các dịch vụ công. Do đó, việc giảm chi phí ở các dịch vụ như thẩm định điều kiện kinh doanh trong kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, lệ phí sở hữu công nghiệp... là sự hỗ trợ rất lớn" - anh Lê Ngọc Bảo chia sẻ với Lao Động.

Thực tế theo anh Bảo, dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa nhận được sự mặn mà bởi khi gặp sự cố, lỗi kỹ thuật, khó tìm được đơn vị giải đáp, khắc phục.

Đồng thời, vẫn còn tình trạng nửa vời khi thiếu một số giấy tờ để nhanh gọn thì nhiều người chọn cách đi nộp trực tiếp, tránh phải chờ đợi.

Theo số liệu từ Cổng dịch vụ công Quốc gia, trong năm 2022, tỉ lệ hồ sơ dịch vụ công nộp trực tuyến đạt 35,62% (9,6 triệu hồ sơ được nộp trực tuyến/27 triệu tổng số hồ sơ dịch vụ công). Trong khi đó mục tiêu Chính phủ đưa ra là năm 2023, số lượng hồ sơ nộp trực tuyến sẽ đạt 50%.

Để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc đề xuất mức giảm phí, lệ phí. Một là miễn phí (giảm 100%) với các dịch vụ công có số lượng nộp hồ sơ trực tuyến rất thấp. Hai là giảm 50% phí, lệ phí với các dịch vụ công có số lượng nộp hồ sơ trực tuyến thấp.
Ngoài ra, VCCI lưu ý việc giảm phí, lệ phí cũng cần được thể hiện rõ ràng, trực quan trên các cổng thông tin để người dân, doanh nghiệp biết và chú ý, tương tự như các biển quảng cáo giảm giá trong thời gian nhất định.

Giải thích thêm, ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế tại VCCI - cho rằng, đề xuất này không chỉ hướng tới doanh nghiệp mà còn cả người dân. Bởi theo khảo sát của VCCI, có 3 thủ tục được phản ánh nhiều nhất là bằng lái xe, hộ chiếu và thẻ hành nghề ngành xây dựng.

"Đề xuất giảm thực chất không đáng bao nhiêu nhưng điều quan trọng là giảm thời gian, người dân đỡ phiền hà khi phải khai đi khai lại hay di chuyển nhiều. Còn nếu được miễn thì rất có lợi khi bỏ hẳn khoản lệ phí và thủ tục thanh toán đó. Bởi lẽ, việc chuyển từ giấy tờ sang điện tử với số lượng lớn sẽ tiết giảm lượng cán bộ tham gia làm việc, từ đó tiết kiệm chi phí vận hành, tạo đà cho giảm lệ phí" - ông Đức lý giải.

Làm thủ tục dịch vụ công tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Cần có chính sách khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Đánh giá về tính khả thi của đề xuất, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính - cho biết, ngoài miễn giảm, phí và lệ phí, thì cần cải tiến quy trình, quy định trên cổng dịch vụ công theo hướng cụ thể rõ ràng, hướng dẫn đầy đủ để người dân thao tác nhanh và hiệu quả.

Trong khi đó, về phía Bộ Tài chính, cơ quan này nhận được ý kiến của 18/22 bộ, cơ quan ngang bộ. Trong đó, có 6 cơ quan gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất giảm phí, lệ phí (thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính) để khuyến khích hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Căn cứ quy định pháp luật phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Thông tư quy định thu phí, lệ phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Việc ban hành Thông tư sẽ phải bảo đảm nội dung quy định rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện. Bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật phí, lệ phí; pháp luật chuyên ngành, quản lý thuế và ngân sách nhà nước.

"Thực tế số lượng hồ sơ giải quyết theo hình thức dịch vụ công trực tuyến chưa nhiều, cần có chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp tích cực sử dụng" - Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Theo "Bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công theo thời gian thực" đã được Thủ tướng phê duyệt, để thu hút người dùng với các dịch vụ công trực tuyến, việc thực hiện thủ tục hành chính cần phải đơn giản, dễ hiểu và người dùng nhanh chóng nhận được kết quả.
Các chuyên gia đề xuất, cải thiện quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng là một bước để giúp người dân từng bước tiếp cận với cách làm mới. Đồng thời, cán bộ, công chức cũng phải mở tài khoản và thường xuyên giao dịch để thành thục và kịp thời cập nhật những thông tin mới giúp người dân được thụ hưởng nhiều hơn, theo kịp với thời đại 4.0, hướng đến chính quyền số, kinh tế số.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn