MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dịch vụ tân trang mộ chí đắt khách dịp cuối năm

Kiều Giang LDO | 15/01/2020 06:52

Ngày thường các nghĩa trang luôn vắng vẻ, hiu quạnh nhưng từ đầu tháng Chạp, nhất là những ngày cận Tết Nguyên đán, những người làm nghề tảo mộ, tu sửa mộ phần lại bắt đầu vào mùa, biến các khu nghĩa trang trở nên hối hả, nhộn nhịp.

Nghĩa trang Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) ngày thường khá hoang vắng. Theo người dân, từ đầu tháng Chạp, khu vực này náo nhiệt hẳn lên. Cái se lạnh đặc trưng của những ngày giáp tết khiến không khí nơi đây trở nên yên ắng. Vào sâu bên trong, chúng tôi len lỏi theo đường mòn quanh các nấm mồ, bắt gặp hàng chục người đang tảo mộ.

Người thợ nề đang xây phần mộ cho người đã khuất. Ảnh: Kiều Giang.

Vác bao xi măng trên vai, ông Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1955, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, dịp cuối năm là thời điểm các dịch vụ chăm sóc mộ phần nở rộ. Tuy chỉ là công việc thời vụ, nhưng đã phần nào giúp người thợ có thêm thu nhập trang trải ngày Tết.

Việc xây mộ khá nhàn, bởi không phải dựng giàn giáo vẫn có thể làm được, nhưng đòi hỏi phải nhanh và yêu cầu kỹ thuật cao. Ảnh: Kiều Giang.

Theo ông Bình, công việc chỉnh trang mộ phần cho những người đã khuất không phải khi nào cũng đắt khách. Thời điểm cận tết là lúc ông Bình phải căng mình làm cho kịp tiến độ. Do nhà gần nên ông không tốn tiền thuê trọ, làm từ 7h sáng đến 5h chiều thì về, ăn trưa thì có vợ ông mang cơm đến cho cả đội thợ.

Chia sẻ về tiền công, ông Bình cho biết, năm nay, chỉ trong 3 tháng cuối, đội của ông Bình đã nhận được nhiều công trình hơn những năm trước với nhiều phần việc khác nhau: sửa sang, lát nền khuôn viên khu mộ, trồng cây, quét vôi… và được ông tính theo công, từ 500.000 – 600.000 đồng/ngày.

Cận Tết Nguyên đán, những người làm nghề tảo mộ lại bắt đầu vào mùa, biến các khu nghĩa trang trở nên hối hả, nhộn nhịp. Ảnh: Kiều Giang.

“Bên cạnh đó, nhiều gia đình tin tưởng giao khoán cho nhóm mua cả vật liệu và thuê tu sửa mộ phần trực tiếp. Nếu như thế mình sẽ không tính công theo ngày. Làm giúp là chính, và tiền vật liệu thừa bao nhiêu thì mình lấy đó làm tiền công luôn”, ông Bình cười nói.

Tại nghĩa trang Đại Từ (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Hiệu (quê Thái Nguyên) cũng làm về chỉnh trang mộ phần cho hay, cuối năm anh được thuê đi xây, sửa và ốp đá, ốp gạch nhiều hơn. Vì vậy, anh gọi thêm cả vợ làm cùng.

“Mỗi ngày công ít nhất là 300.000 đồng, hai vợ chồng làm cả ngày cũng thu gần triệu đồng”, anh Hiệu cho hay.

Dù chỉ là công việc thời vụ, nhưng việc chỉnh trang, tu sửa mộ phần dịp Tết mang lại khoản thu nhập tốt cho người lao động trong những ngày cuối năm. Ảnh: Kiều Giang.

Theo anh Hiệu, công việc chỉnh trang lại các khu mộ quanh năm vẫn làm, nhưng cuối năm sẽ nhiều hơn vì mọi người quan niệm “trần sao, âm vậy” nên muốn sửa sang lại phần mộ cho người đã khuất.

Ở khu mộ kế cận, nhóm thợ của anh Vũ (sinh năm 1980, trú tại Đống Đa, Hà Nội) cũng đang mỗi người một việc. Đưa tay xếp những viên gạch ngay ngắn, anh Vũ cho rằng, dịch vụ tảo mộ mới chỉ nở rộ 6 năm trở lại đây.

Theo anh Vũ, khi đời sống của người dân tốt lên, mọi người sẽ hướng về cội nguồn, bù đắp cho những người đã khuất. Ngày công của những người làm dịch vụ này dao động từ 600.000 - 700.000 đồng/ngày đối với thợ chính, thợ phụ từ 400.000 - 500.000 đồng.

Phụ nữ cũng sẵn sàng “xắn tay” vào việc. Ảnh: Kiều Giang.

“Trước đây mình chỉ xây, sửa nhà cửa. Nhưng có người quen nhờ xây mộ cho người đã khuất, mình chỉ nghĩ làm giúp vì cái tâm. Sau này khi nghiệm thu người ta hài lòng quá rồi giới thiệu cho các hộ gia đình khác. Cứ như thế, mình xây nhà cho cả người sống và người đã khuất”, anh Vũ chia sẻ.

Nhiều người quan niệm việc tảo mộ, chăm sóc mộ phần là hành động tỏ lòng hiếu thảo, tưởng nhớ đến người đã khuất. Với những người ở xa, dù không thể về chăm sóc, thắp hương cho người thân thì việc thuê người tảo mộ, chỉnh trang mộ phần người đã khuất cũng giúp họ làm tròn chữ hiếu, hướng về tổ tiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn