MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CSGT tỉnh Bạc Liêu kiểm tra nồng độ cồn đối với người lái xe. Ảnh: Nhật Hồ

Dịch vụ xe đưa người say về nhà ăn nên làm ra dịp Tết, cam kết không tăng giá

NHẬT HỒ LDO | 02/02/2024 10:30

Cà Mau - Cận Tết, các tỉnh siết quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Quy định này ai cũng biết, chính vì vậy, để không bị phạt nồng độ cồn, cách duy nhất là đã uống rượu, bia thì không lái xe. Không lái xe, dù có say đã có dịch vụ đưa về.

Nguyễn Thanh Tâm, nhà ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau nhưng làm việc tại thành phố Cà Mau. Do đặc điểm nghề nghiệp nên anh cần phải ngoại giao.

Đối với dân Cà Mau, không mời vài ly rượu, bia xem như chưa chân tình. Vì vậy tuần 7 ngày, Tâm say đến 5 ngày. Anh chia sẻ: Trước khi có Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19.4.2023 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cà Mau đã siết chặt quy định nồng độ cồn. Quy định người có nồng độ cồn không tham gia giao thông nên tôi có mối ruột để đưa về nhà. Dịch vụ này đưa xe tôi về tới nhà. Từ Cà Mau về đến nhà, gồm cả chạy xe máy là 70.000 đồng.

Lực lượng CSGT tỉnh Bạc Liêu ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông dịp Tết. Ảnh: Nhật Hồ

Theo Tâm, mình cứ chơi hết mình với anh em vẫn bình thường, miễn sao chừa lại trong bóp (ví) 100.000 đồng để đi về là được.

Dịch vụ đưa bạn nhậu về tận nhà nở rộ tại tỉnh Cà Mau nhiều năm nay. Lúc đầu giá cả còn nhảy múa theo bước chân liêu xiêu của người say, hiện tại đã có giá cả hợp tình, hợp lý. Nguyễn Minh Luân, làm nghề lái xe chở bạn nhậu về tại thành phố Cà Mau chia sẻ: "Một cây số (1 km) em lấy 10.000 đồng/chuyến; mắc quá không ai đi đâu. Mình xác định đây là nghề, nên không thể thấy người say không chạy xe về được mà ăn giá cao".

Tại tỉnh Bạc Liêu, dịch vụ vận chuyển khách có rượu, bia về nhà mới xuất hiện gần đây. Vào dịp Tết dịch vụ cam kết không tăng giá. Đại diện một dịch vụ vận chuyển tại tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: Tết, các anh đi tiệc tùng nhiều, đây là dịp để em làm ăn. Dù vậy, anh em luôn bảo nhau không được tự tiện tăng giá, cam kết đảm bảo an toàn tài sản cho khách.

Trần Văn Hoàng, đã từng làm công nhân, do nhà máy thiếu nguyên liệu, nên nghỉ về Bạc Liêu chạy xe dạng này, chia sẻ: "Mỗi tháng, em nộp tiền thế chân 180.000 đồng; mỗi cây số em lấy 7.000 đồng thôi. Ngày nào chạy nhiều cũng được vài trăm ngàn đồng".

Dịch vụ đưa, đón người có nồng độ cồn nở rộ tại tỉnh Bạc Liêu những ngày giáp Tết. Ảnh: Nhật Hồ

Bà Đỗ Ái Lanh - Trưởng phòng Du lịch Thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu - cho biết, quy định về nồng độ cồn ít nhiều có ảnh hưởng đến du lịch, nhất là các quán ăn, uống. Tuy nhiên, đã là quy định thì không thể làm khác. Những dịch vụ đưa rước khách có nồng độ cồn nếu làm tốt góp phần tuyên truyền du lịch cho thành phố rất tốt.

Theo bà Lanh, chính những người chạy xe đưa khách sẽ giới thiệu về Bạc Liêu, các điểm vui chơi, giải trí, thắng cảnh của thành phố. Thông qua đây sẽ góp phần tích cực quảng bá hình ảnh của thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn