MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điểm xét tuyển đại học năm 2020 tăng cao so với năm 2019. Ảnh: Hải nguyễn

Điểm chuẩn Đại học tăng “chóng mặt”: 9 điểm/môn vẫn có nguy cơ trượt

Đặng Chung - Anh Nhàn LDO | 06/10/2020 06:24

Đến 17h ngày 5.10, tất cả các trường Đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn tuyển sinh năm 2020 theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi Tốt nghiệp THPT. Đúng như dự đoán trước đó, điểm chuẩn năm nay tăng cao ở nhiều trường, đặc biệt là các trường “top đầu”, thậm chí có ngành phải đạt 30 điểm thí sinh mới trúng tuyển. Tuy nhiên, vẫn có những trường vẫn lấy điểm chuẩn ngang với mức điểm sàn, chưa đến 5 điểm/môn cũng đỗ.

Nhiều ngành trên 28 điểm mới đỗ Đại học

Bức tranh điểm chuẩn năm nay cho thấy có nhiều ngành có mức điểm rất cao, tăng chưa từng có. Ở khối C00 (Văn, Sử, Địa), điểm chuẩn các ngành ngôn ngữ, báo chí, truyền thông đều tăng cao. Ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) lên đến 30 điểm/3 môn. Tức là phải đạt điểm tuyệt đối mới có thể đỗ ngành học này.

Lý giải điểm chuẩn gây “choáng váng” này, GS-TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho biết: “Do chỉ tiêu ngành Hàn Quốc học chỉ khoảng 50, mà trường đã tuyển thẳng tầm khoảng 20 học sinh (đoạt giải Nhất, Nhì các kỳ thi quốc gia, kèm theo học lực giỏi, điểm thi tốt nghiệp THPT 4 môn tối thiểu 24 điểm trở lên), nên chỉ tiêu còn lại tầm khoảng 30. Đó là lý do đẩy điểm chuẩn của ngành Hàn Quốc học lên cao chót vót”.

Bên cạnh đó, các ngành về báo chí, truyền thông cũng lấy điểm cao. Ngành báo chí cũng của trường này có điểm chuẩn là 28,5 điểm/3 môn khối C00. Tức thí sinh phải được 9,5 điểm/môn mới chắc suất đỗ. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) có 11 ngành đào tạo lấy điểm chuẩn trên 26. Trong đó, cao nhất là ngành Báo chí lấy 27,5 điểm.

Nhóm ngành Công nghệ thông tin năm nay vẫn giữ được phong độ. Kỷ lục điểm chuẩn cao của nhóm ngành này đang thuộc về ngành khoa học máy tính của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, với mức 29,04 điểm (tính theo thang điểm 30, với thí sinh KV3 và không có điểm ưu tiên). Ngành Khoa học máy tính của Trường Đại học Bách khoa là 28 điểm, cũng là ngành lấy điểm chuẩn cao nhất vào trường.

Điểm chuẩn các trường đào tạo khối ngành sức khỏe năm nay cũng tăng mạnh và đồng đều giữa các ngành. Ngành Y Đa khoa của nhiều trường đều có mức điểm từ 27 trở lên.

Ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất là 28,9 điểm. Xếp ngay sau đó là ngành Răng Hàm Mặt với 28,65 điểm. So với năm ngoái, điểm chuẩn các ngành của Đại học Y Dược TPHCM tăng hơn 2 điểm. Theo đó, ngành Y khoa lấy điểm chuẩn cao nhất là 28,45; tiếp đó là Răng Hàm Mặt 28 điểm.

Điểm chuẩn sư phạm “phất lên”, nhiều ngành “cao khủng”

Trong khi đó, ngành Sư phạm năm nay cũng có sức hút với thí sinh. Nhiều trường sư phạm có điểm chuẩn ở mức cao. Đơn cử ngành Sư phạm Toán học dạy bằng Tiếng Anh (tổ hợp A00) của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn lên tới 28 điểm/3 môn. Tiếp theo là điểm chuẩn ngành Sư phạm Toán học dạy bằng Tiếng Anh (tổ hợp D01) với 27 điểm.

Nhìn chung, hầu hết ngành ở Đại học Sư phạm TPHCM năm nay tăng 1 đến 2,5 điểm so với năm ngoái. Điểm chuẩn ngành Sư phạm Tiếng Anh tiếp tục dẫn đầu về điểm chuẩn với 26,5. Ngành có điểm chuẩn cao thứ hai là Sư phạm Toán học 26,25 (tăng 2,25). Những ngành lấy điểm chuẩn 19, mức thấp nhất gồm: Giáo dục đặc biệt, Sư phạm tiếng Pháp, Ngôn ngữ Nga.

Bên cạnh đó, nhóm ngành về kinh tế những năm trước không có nhiều biến động, thì năm nay cũng có sự “khởi sắc”. Điểm chuẩn của Đại học Kinh tế TPHCM ở mức 22-27,6; mặt bằng chung cao hơn 2 điểm so với năm ngoái. Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có điểm chuẩn cao nhất 27,6 và nhiều ngành lấy trên 27 điểm gồm: Marketing, Kinh doanh quốc tế, Kinh doanh thương mại.

Lý giải về nguyên nhân điểm chuẩn năm 2020 tăng cao, thí sinh được 9 điểm/môn vẫn có nguy cơ trượt đại học, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết, do chỉ tiêu xét tuyển ngành học ít hoặc rất ít, trong khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký đông, nên điểm chuẩn tăng cao. Ngoài ra, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu là phục vụ công tác xét tốt nghiệp, đồng thời với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp, nên đề thi có yêu cầu thấp hơn năm 2019 và do vậy, điểm mặt bằng chung của thí sinh cao hơn.

Vụ Giáo dục đại học cũng cho biết thêm, theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường, các ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thường xuyên khuyến cáo, truyền thông qua các kênh để các em thí sinh lưu ý điểm này khi đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT. Tuy nhiên, một số thí sinh chỉ đăng ký 1 (hoặc rất ít) nguyện vọng, hoặc chỉ đăng ký vào các ngành, trường thuộc tốp đầu, mức độ cạnh tranh rất lớn. Do giới hạn về chỉ tiêu tuyển sinh nên việc thí sinh có điểm thi thấp hơn các thí sinh khác không trúng tuyển là việc tất yếu có thể xảy ra, mặc dù thí sinh có điểm thi cao hoặc rất cao.

Có những trường 5 điểm/môn đã đỗ

Thí sinh có 9 điểm/môn vẫn có nguy cơ trượt đại học, nhưng bức tranh điểm chuẩn năm nay cũng cho thấy, có thí sinh được 4-5 điểm/môn cũng có thể đỗ. Trong khi các trường top trên có điểm chuẩn rất cao, thì nhiều trường top dưới chỉ lấy mức điểm 15-17, thí sinh đạt 5-6 điểm/môn sẽ có cơ hội trúng tuyển đại học.

Tại Đại học kiến trúc TPHCM, ngành Kỹ thuật cơ sở hạ tầng học ở cơ sở TPHCM lấy 16 điểm, ngành Kỹ thuật xây dựng (hệ chất lượng cao) chỉ lấy 15,15 điểm. Tương tự, điểm chuẩn một số ngành của Đại học Mở TPHCM cũng không mấy khả quan. 6 trong tổng số 36 ngành đào tạo của trường lấy mức điểm 16. Đại học Công nghiệp TPHCM có 2 ngành lấy mức điểm 15 là Công nghệ chế biến thuỷ sản và An toàn thông tin và 5 ngành đào tạo khác lấy 16 điểm.

Ở phía bắc, các trường Đại học Hàng hải, Trường Đại học Điện lực, Đại học Lâm nghiệp và nhiều trường có điểm chuẩn chỉ ở mức 14-15, trong khi đề thi năm nay được đánh giá là dễ, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Nguyên nhân được lý giải là vì hiện nay tâm lý thí sinh chạy theo ngành “hot”, đăng ký theo phong trào dẫn đến điểm chuẩn một số ngành tăng đột biến, trong khi những ngành còn lại tuyển sinh khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn