MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ TNGT sáng 13.6 tại Quốc lộ 14 đoạn qua chợ tạm 312, huyện Đăk Min, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: hữu long

Điểm đen giao thông từ chợ cóc, chợ tạm ven quốc lộ

Hữu Long LDO | 15/06/2020 07:51

Vụ TNGT tại Đắk Nông làm 5 người chết hôm 13.6 là tiếng chuông cảnh báo đối với chính quyền địa phương khi để cho các khu chợ tạm, chợ tự phát tồn tại ven quốc lộ, thậm chí tràn cả ra đường gây mất trật tự ATGT trong thời gian dài. Ngay khi vụ tai nạn xảy ra, nhiều địa phương mới có những động thái nhất định nhằm xử lý tình trạng chợ tạm mọc dọc tuyến quốc lộ.

Chợ ven quốc lộ là điểm đen giao thông

Ngày 13.6, khu vực chợ 312, xã Đắk R’La, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 5 người chết, 5 người bị thương. Vụ tai nạn để lại hậu quả nghiêm trọng vì xảy ra vào buổi sáng, rơi vào thời điểm người dân họp chợ mua bán, trao đổi hàng hóa.

Không chỉ riêng tại huyện Đắk Mil mà dọc tuyến Quốc lộ 14 đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên hiện đang tồn tại hàng trăm chợ tạm, chợ tự phát mọc ven đường.  Có thể kể ra như tại chợ Đạt Lý (xã Hòa Thuận, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vốn được xem là điểm đen tai nạn giao thông.

Chợ Đạt Lý được xây dựng sát Quốc lộ 14 nhưng chuyện buôn bán dưới lòng lề đường xảy ra thường xuyên. Cảnh tượng người bán kẻ mua tấp nập, xe cộ ùn tắc diễn ra vào thời điểm sáng sớm và cuối giờ chiều.

Chị Nguyễn Thị Tuyết - tiểu thương bán tại chợ Đạt Lý cho biết, việc buôn bán dưới lòng lề đường xuất phát từ tâm lý tiện lợi nhất thời cho cả người mua lẫn người bán.

“Buổi chiều ai cũng muốn ghé lại chợ mua thực phẩm sao cho nhanh nhất. Người mua thì ngại cảnh gửi xe trong khi người bán lại muốn bán cho hết hàng. Cứ như thế, cảnh chen chúc, tắc đường xảy ra bao nhiêu năm nay” - chị Tuyết chia sẻ.

Phần lớn các chợ tạm dọc các tuyến Quốc lộ 14 không phải là chợ do địa phương bố trí và lập nên. Chợ tự phát ven đường mọc lên từ nhu cầu buôn bán thuận tiện nhất thời của người bán và kẻ mua. Từ vài người bán hàng rong đứng ban đầu, rồi những nhà dân ven đường lần lượt mở bán, cho thuê mặt bằng. Lâu dần, nơi đây biến chợ tự phát ven đường lúc nào không hay.

Có nhiều ý kiến cho rằng, chính việc thiếu cương quyết của chính quyền địa phương thời gian qua khiến tình trạng chợ cóc, chợ tạm khó được xử lý triệt để.

Ông Từ Văn Hợi Hợi - Chủ tịch UBND xã Hòa Phú (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, địa bàn xã có chợ tạm mọc trên Quốc lộ 14, đoạn qua thôn 2, xã Hòa Phú.

Theo ông Hợi, thời gian qua chính quyền thường xuyên tổ chức tuyên truyền, xử lý nhưng khi vắng cơ quan chức năng, các hộ lại lấn ra bày bán.

“Việc tuyên truyền chỉ có hiệu quả với các hộ có đăng ký buôn bán trong chợ. Riêng các hộ buôn bán vãng lai thì quản lý rất khó” - ông Hợi nói và cho biết thêm, để hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông từ hoạt động chợ tạm, địa phương đang xây dựng lại chợ mới, nếu hoàn thành thì đưa toàn bộ các hộ này vào thì sẽ bớt rủi ro.

Phê bình địa phương buông lỏng quản lý

Như chợ Nhân Cơ tại thôn 3, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) là một ví dụ của tình trạng bát nháo họp chợ giữa đường quốc lộ.

Ông Nguyễn Quang Trường - Bí thư UBND xã Nhân Cơ cho biết, ngay khi vụ tai nạn giao thông tại chợ tạm ở huyện Đắk Mil xảy ra, chính quyền xã Nhân Cơ đã tăng cường kiểm tra, lập lại trật tự đối với các khu vực chợ tạm trên địa bàn.

“Trước đó, chúng tôi có ra quân nhưng gần đây có lơ là vì bận tổ chức Đại hội đảng. Sau sự việc đau lòng ở huyện Đắk Mil, xã tiến hành lập lại trật tự dọc các tuyến đường quốc lộ. Việc ra quân được thực hiện theo hướng yêu cầu các hộ buôn bán dời vào 6 mét so với mặt đường; đối với các trường hợp vi phạm sẽ phạt tiền hành chính 5 triệu và tịch thu tang vật” - ông Trường nói.

Liên quan đến việc để xảy ra tình trạng buôn bán dưới lòng lề đường ở huyện Đắk Mil và khu vực xảy ra tai nạn giao thông ở xã Đắk R’la vừa qua, ông Trương Thanh Tùng -  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã nghiêm khắc phê bình lãnh đạo UBND huyện Đắk Mil và UBND xã Đắk R’la vì thiếu giám sát và quản lý.

“Trong thời gian đến các địa phương cần phải phải lắp camera an ninh ngay những chỗ tập trung buôn bán đông người; giải quyết dứt điểm việc người lấn chiếm lòng lề đường để bán hàng, tránh những vụ tai nạn thảm khốc tái diễn” - ông Tùng nói.

Ngay trong chiều 13.6, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng đoàn công tác đã đến tỉnh Đắk Nông làm việc, liên quan đến vụ tai nạn giao thông khiến 10 người thương vong.

Tại đây, ông Khuất Việt Hùng đồng ý cử chuyên gia của phòng giám định xe thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam vào phối hợp điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Ông Hùng cho biết, sắp tới sẽ có 1 cuộc kiểm tra toàn quốc việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông mà Thủ tướng Chính phủ từng chỉ đạo.

Chợ tự phát công nhân tràn ra quốc lộ 51

Tại Đồng Nai trên đường Bùi Văn Hoà, TP.Biên Hoà chợ tự phát hoạt động suốt nhiều năm nay. Tại đây tập trung nhiều khu công nghiệp lớn như KCN Loteco Long Bình, KCN Biên Hoà 2, và rất đông các khu nhà trọ công nhân. Do đó, mỗi khi vào giờ công nhân tan ca thì các sạp hàng, xe đẩy hàng tràn ra cả lòng đường. Tuyến đường Bùi Văn Hoà là trục chính dẫn từ TP.Biên Hoà ra quốc lộ 51 nên tình trạng kẹt xe vào các buổi tan ca công nhân ngày càng nhiêm trọng. Ngoài ra, chợ công nhân trước cổng Công ty TNHH C.T  nằm ngay trên quốc lộ 51, xã An Phước, huyện Long Thành cũng trong tình cảnh tương tự. Nhất là vào buổi sáng, chiều khi công nhân sắp vào ca, tan ca, cảnh mua bán ở các chợ tự phát này rất tấp nập, nhộn nhịp. Tình trạng người bán bày hàng hóa dưới lòng lề đường, người mua dừng xe lựa chọn hàng hóa diễn ra thường xuyên khiến các phương tiện lưu thông qua khu vực này rất khó khăn. HÀ ANH CHIẾN

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn