MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điểm dừng xe buýt hòa làm một với đường quốc lộ, hành khách nơm nớp lo sợ

VĨNH HOÀNG LDO | 28/05/2023 07:07

Điểm dừng xe buýt là mắt xích quan trọng trong hệ thống vận tải hành khách công cộng Thủ đô. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực này chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng lớn tới người dân tham gia sử dụng dịch vụ giao thông công cộng.

Vừa ngước đầu lên nhìn số tuyến xe buýt thì đã phải nhìn xuống đường để chú ý xe máy, ông Nguyễn Quang Minh (62 tuổi, Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay, đây là thói quen của ông và bà con khi dùng phương tiện xe buýt trên đường Ngọc Hồi.

"Biết là nguy hiểm nhưng đây là phương tiện giao thông duy nhất mà những người già như tôi có thể sử dụng được. Đành chấp nhận nguy hiểm chứ cũng không biết làm sao" - ông Minh nói.

Ông Nguyễn Quang Minh phải đứng chờ xe buýt ngay dưới lòng đường. Ảnh: Vĩnh Hoàng 

Lí giải cho việc này, ông Minh cho hay, những điểm dừng xe buýt dọc tuyến đường Ngọc Hồi đều không có vỉa hè cho người dân chờ xe buýt, thậm chí nhiều chỗ còn không có cả hành lang an toàn.

"Đứng chờ xe buýt mà phía trước là xe khách, xe container, xe máy chạy tốc độ cao, sau lưng là đường ray tàu hoả, nhiều hôm đồng thời cả xe ôtô to và tàu chạy qua khiến tôi không biết xoay sở ra sao để giữ an toàn" - ông Minh nói.

Người dân phải rất để ý mới có thể an toàn khi đứng chờ xe buýt trên đường Ngọc Hồi. Ảnh: Vĩnh Hoàng 

Thường xuyên sử dụng xe buýt để làm phương tiện đi học, anh Nguyễn Trường Giang (20 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, xe buýt rất tiện lợi, an toàn nhưng hạ tầng của điểm dừng lại tỉ lệ nghịch với ưu điểm mà xe buýt mang lại.

"Trường cách nhà gần 30 km nên xe buýt là phương tiện mà tôi ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, như đã thấy, sự mất an toàn của những điểm chờ lại đang làm cho người dân dần không mặn mà với việc sử dụng phương tiện công cộng nữa" - anh Giang nói.

Người dân lên xuống xe buýt rất nguy hiểm bởi không có nhà chờ .Ảnh: Vĩnh Hoàng 

Theo ghi nhận, tại nhiều điểm dừng chờ xe buýt dọc QL1 cũ, đoạn đi qua các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, đa phần các điểm dừng đều bị cắm bên trong hàng rào hành lang đường sắt, không có vỉa hè. Hàng ngày, người dân đều phải đứng ngoài hàng rào, ngay trên lòng đường để chờ xe buýt.

Người dân đứng dưới lòng đường để đọc lộ trình. Ảnh: Vĩnh Hoàng 

Tình trạng điểm dừng xe buýt không có "đất" để người dân đứng chờ không chỉ diễn ra tại một số tuyến đường ngoại thành mà ngay trong nội đô tình trạng đó cũng diễn ra thường xuyên.

Ngay trên phố Phương Mai, tại điểm dừng xe buýt gần cổng Bệnh viện Da liễu Trung ương, điểm dừng xe buýt đã bị xe tập kết rác chiếm dụng toàn bộ, vừa mất mỹ quan đô thị vừa ô nhiễm môi trường.

Xe thu gom rác lấn chiếm chỗ đứng chờ xe buýt của người dân. Ảnh: Vĩnh Hoàng 

Trên đường Láng, người dân chỉ sử dụng được khu vực bên trái nhà chờ vì bên phải đã bị một xe rác án ngữ.

Người dân phải ngồi sang hết một bên vì một góc nhà chờ xe buýt đã bị xe rác chiếm dụng. Ảnh: Vĩnh Hoàng 

Tại phố Duy Tân, những điểm dừng xe buýt đã bị bức tử một cách ngang nhiên; hàng loạt ôtô dừng, đỗ ngay trên lòng đường chắn hết lối lên, xuống từ điểm dừng đến xe buýt.

Cũng tại đây, việc bố trí cây cảnh ngay tại điểm dừng xe buýt cũng đã vô tình đã cản trở nơi lên, xuống của người dân.

Điểm chờ xe buýt trên phố Duy Tân bị ôtô chắn ngang dưới lòng đường. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Dọc theo các phố nội đô, phải khó khăn lắm mới tìm được một nhà chờ thông thoáng, không bị hàng quán, rác thải bủa vây trên phố Láng Hạ.

Nhà chờ xe buýt trên phố Láng Hạ thông thoáng, không bị hàng quán bức tử. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tiến sĩ Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông đô thị - cho biết, việc bảo vệ hạ tầng nhà chờ, điểm dừng xe buýt cần có sự chung tay của nhiều ban, ngành, nhưng chính quyền địa phương cũng có vai trò rất quan trọng.

Theo ông Bình, UBND phường, xã, thị trấn phải có trách nhiệm xử lý, giải tỏa hành vi lấn chiếm nhà chờ, điểm dừng xe buýt. Đồng thời, cần làm việc với các công ty thu gom rác để bố trí, phân tách được nhà chờ, điểm dừng xe buýt với điểm thu gom rác để tạo điều kiện tốt hơn cho người dân đi xe buýt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn