MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quảng Bình vẫn đang gặp điểm "nghẽn" trong việc chi trả tín chỉ carbon. Ảnh: H. Hạ

Điểm "nghẽn" trong việc chi trả tín chỉ carbon ở Quảng Bình

CÔNG SÁNG LDO | 09/09/2024 06:54

Mặc dù được phân bổ hơn 235 tỉ đồng, nhưng việc chi trả tín chỉ carbonQuảng Bình vẫn đang gặp khó khăn vì quy định.

Quảng Bình được phân bổ hơn 235 tỉ đồng

Tỉnh Quảng Bình được phân bổ 80% kinh phí từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho đối tượng rừng tự nhiên (tín chỉ carbon) với trên 235 tỉ đồng.

Giai đoạn 2023-2024, địa phương đã phân bổ hơn 182 tỉ đồng cho các đối tượng hưởng lợi, gồm: Các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, các công ty lâm nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và chủ rừng là tổ chức khác được giao quản lý rừng tự nhiên thực hiện các hoạt động bảo vệ…

Theo kế hoạch tài chính năm 2023, tỉnh Quảng Bình chi trả hơn 80 tỉ đồng cho các đối tượng hưởng lợi, bao gồm: 10.762 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 16 chủ rừng là tổ chức; 71 UBND cấp xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 9 chủ rừng là tổ chức khác được giao quản lý rừng.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện chi trả kinh phí từ nguồn ERPA cho các đối tượng hưởng lợi với số tiền hơn 162 tỉ đồng.

Tỉnh Quảng Bình được phân bổ 80% kinh phí tín chỉ carbon. Ảnh: H. Hạ

Việc chi trả số tiền này cho chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và các UBND cấp xã khá thuận lợi trong việc nhận chi trả tiền tín chỉ carbon.

Còn các chủ rừng là tổ chức như ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp thì còn “nghẽn” bởi quy định về đối tượng tham gia thỏa thuận quản lý rừng với chủ rừng tổ chức là cộng đồng dân cư của Nghị định 107. Đồng thời, quy định “chi không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách Nhà nước” nên mặc dù tiền đã về cũng không thể giải ngân.

Kiến nghị đến Bộ

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình Trần Quốc Tuấn cho biết, tỉnh đã có kiến nghị với Bộ NN&PTNT để tháo gỡ những quy định gây ra vướng mắc này.

Ông Tuấn chỉ rõ, kế hoạch chi trả cho việc bán tín chỉ carbon là nội dung mới, thực hiện thí điểm, nên trong quá trình triển khai có phát sinh một số khó khăn đang vướng mắc trong Nghị định số 107 của Chính phủ.

Tại điểm c khoản 2 Điều 3 quy định nguyên tắc “chi không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách Nhà nước”.

Giai đoạn 2023-2024, địa phương đã phân bổ hơn 182 tỉ đồng cho các đối tượng hưởng lợi. Ảnh: H. Hạ

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo các chính sách hiện hành thông qua các chương trình, dự án. Nếu thực hiện theo quy định nêu trên thì sẽ có rất ít diện tích để thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng.

“Hay tại khoản 2 Điều 5 quy định về đối tượng tham gia thỏa thuận quản lý rừng với chủ rừng tổ chức là cộng đồng dân cư, trong khi đó, thực tế tại tỉnh Quảng Bình, diện tích rừng tự nhiên chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, dọc biên giới Việt - Lào là những nơi có rất ít hoặc không có cộng đồng dân cư sinh sống.

Do vậy, chủ rừng là tổ chức không thể thực hiện khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư” - ông Tuấn nêu rõ hai điểm khó khăn trong quá trình thực hiện.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Quốc Tuấn, đối với các khó khăn, vướng mắc trong việc chi trả từ nguồn ERPA, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT, đồng thời, chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổng hợp, báo cáo gửi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và đoàn công tác đánh giá giữa kỳ ERPA của WB nhằm có giải pháp tháo gỡ, điều chỉnh hoặc làm cơ sở ban hành chính sách mới phù hợp với thực tế khi kết thúc giai đoạn thí điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn