MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng loạt quan chức Lào Cai vướng vào lao lý trong vụ án khai thác "chui" hàng triệu tấn quặng. Ảnh: Bảo Nguyên

Diễn biến vụ khai thác quặng khiến nhiều quan chức Lào Cai vướng lao lý

Bảo Nguyên LDO | 04/07/2023 18:10

Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai vừa thi hành kỷ luật đối với Đảng ủy Sở Công Thương, Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường, Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh liên quan đến vụ khai thác quặng.

Tại kết luận về kết quả kỳ họp thứ 28, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai nêu rõ: Đảng ủy Sở Công Thương nhiệm kỳ 2013 - 2015 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, Sở Công Thương đã ban hành Văn bản số 1111 ngày 3.9.2014 tham mưu UBND tỉnh cho phép Công ty Lilama chọn lọc phần quặng có hàm lượng cao trong tổng số 88.636 tấn quặng loại 3, bán cho các cơ sở tuyển khoáng, chế biến sâu trên địa bàn tỉnh Lào Cai và tiêu thụ 30.000 tấn quặng Apatit trái quy định.

Với vi phạm trên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo” đối với Đảng ủy Sở Công Thương nhiệm kỳ 2013 - 2015.

Nhiều tập thể, cá nhân bị xử lý kỷ luật vì tạo điều kiện cho Công ty Lilama khai thác “chui” hàng triệu tấn quặng. Ảnh: Bảo Nguyên

Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để cán bộ, đảng viên vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự.

Vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương nên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo” đối với Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Với Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015, đơn vị này đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để cán bộ, đảng viên vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tham mưu nhiều văn bản có nội dung vi phạm quy định của pháp luật về quy hoạch, khoáng sản, đất đai, đầu tư.

Do vậy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo” đối với Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Công an xác định, số quặng khai thác trái phép lên tới hơn 1,5 triệu tấn. Ảnh: Bảo Nguyên

Trước đó, ngày 22.6, Chính phủ thi hành kỷ luật đối với nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh và Doãn Văn Hưởng; nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Lê Ngọc Hưng và Nguyễn Thanh Dương.

Đây là những lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Lào Cai đã vướng vòng lao lý liên quan đến vụ khai thác khoáng sản trái phép.

Bãi đất hoang từng được “vẽ” lên dự án nghỉ dưỡng song thực chất để khai thác quặng trái phép. Ảnh: Bảo Nguyên

Như Báo Lao Động đã đưa tin, năm 2009, Công ty Lilama được UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP.Lào Cai trên phần diện tích đất rộng 3,77 ha.

Quá trình san gạt, do phát hiện quặng apatit nên các sở, ban, ngành Lào Cai vào cuộc khảo sát thực địa, xác định một phần diện tích của dự án trùng với khai trường số 18 thuộc quy hoạch quặng apatit. Vì vậy, UBND tỉnh Lào Cai quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với Công ty Lilama, giao diện tích đất 3,77 ha cho Công ty Apatit Việt Nam quản lý, sử dụng.

Sau đó, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Văn bản số 2160, yêu cầu Công ty Apatit Việt Nam bàn giao lại khu đất cho Công ty Lilama để lập dự án nghỉ dưỡng, quá trình thực hiện nếu còn khoáng sản thì Công ty Lilama được tận thu.

Đến tháng 5.2013, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục có Văn bản số 1717, nội dung thể hiện "nếu kết quả phân tích có phát hiện quặng (kể cả quặng nghèo), giao cho Công ty Lilama thu gom, thỏa thuận, thống nhất với Công ty Apatit Việt Nam để tập kết, quản lý, sử dụng theo quy định pháp luật".

Đây cũng là bước đệm cuối cùng giúp Công ty Lilama "danh chính ngôn thuận" khai thác quặng dưới vỏ bọc dự án đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn