MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh Diễn đàn "Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số"

Diễn đàn đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong nguyên số

Tuấn Linh LDO | 16/12/2021 13:00

Sáng ngày 16.12.2021, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong nguyên số”. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự Diễn đàn có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân kiêm giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Truyên giáo Trung ương, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng đại diện Lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ, các diễn giả và hơn 200 đại biểu tại các địa phương tham gia trực tuyến.

Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong nguyên số” được tổ chức nhằm mục đích giúp các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, các tổ chức đào tạo và các doanh nghiệp khai thác nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí, truyền thông cùng trao đổi, thảo luận và đánh giá lại thực trạng về công tác đào tạo báo chí, truyền thông hiện nay để từ đó đề xuất được những giải pháp đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí, phục vụ chuyển đổi số báo chí, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trong kỷ nguyên số.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, thực hiện Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024” năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành có liên quan tổ chức Diễn đàn “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số”, nhằm trao đổi đánh giá thực trạng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí truyền thông hiện nay; những mô hình đào tạo báo chí, truyền thông trên thế giới; những cơ hội và thách thức của báo chí trong thời đại công nghiệp 4.0; đưa ra thông điệp và những giải pháp về đào tạo báo chí, truyền thông thời đại 4.0. Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 – 2024” góp phần đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí, phục vụ chuyển đổi số, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trong xu thế công nghệ mới. Dự án là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, với mục tiêu sự hỗ trợ phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hoà nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số đã mang lại những cơ hội cũng như thách thức và đang làm thay đổi cách thức, mô hình việc làm của nhiều lực lượng lao động trong đó có báo chí, truyền thông. Thực tế, nguồn lực báo chí truyền thông hiện nay hầu hết chủ yếu được đào tạo theo hình thức truyền thống nhưng nay phải “gồng mình” để làm báo chí, truyền thông trong môi trường của thời đại công nghệ số. Do đó, công tác đào tạo nguồn lực báo chí truyền thông cần đổi mới phù hợp với xu hướng phát triển của kỷ nguyên số.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe tham luận từ các giảng viên từ các trường Đại học, Học viện có đào tạo chuyên ngành báo chí, truyền thông trình bày về các giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học văn hóa Nghệ thuật Quân đội...; từ các diễn giả đến từ các cơ quan báo chí như Báo Nhân dân, Đà Tiếng nói Việt Nam, Báo Vietnamnet, Đài PTTH Vĩnh Long, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên truyền lý luận, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ Báo Nhân Dân - người đầu tiên trình bày tham luận tại Diễn đàn cho biết “Trong thời đại bùng nổ thông tin, tác nghiệp trong cơ chế thị trường với nhiều sức ép, nền tảng quan trọng đối với các nhà báo là cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trách nhiệm xã hội và năng lực nghề nghiệp cao, hiểu biết và tuân thủ pháp luật. Nhà báo trong kỷ nguyên số và bùng nổ thông tin phải là những người đa năng và đa nhiệm, chuyên nghiệp ở tất cả các khâu trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí, vừa là nhà báo viết, vừa là nhà báo ảnh, biết dựng video, làm infographic, biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật đa phương tiện; có phông kiến thức văn hóa - xã hội vững chắc, nắm vững các kỹ năng sử dụng ngôn từ, hình ảnh, title vừa theo chuẩn mực quy định, vừa có phong cách sáng tạo cá nhân đậm nét; liên tục trau dồi, tích luỹ kiến thức chuyên sâu và có thể thực hiện tác nghiệp thành thạo trên nhiều công đoạn với tính độc lập rất cao để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; năng nổ và có ảnh hưởng xã hội ngày càng sâu, rộng. Nhà báo trong kỷ nguyên số cần phải biết sử dụng và khai thác triệt để truyền thông xã hội phục vụ cho hoạt động của mình; biết thu hút sự hợp tác và cùng tham gia của công chúng, vừa là chủ thể, lại vừa là khách thể tiếp nhận, xử lý thông tin từ phía công chúng qua các trang mạng xã hội…”

PGS.TS Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu. 

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì chương trình đào tạo ảnh hưởng lớn đến chất lượng truyền thông. Việc đổi mới báo chí cần gắn lý thuyết với thực tiễn, ngoài ra cần có sự kết nối của cơ quan quản lý nhà nước tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên.

Theo ý kiến tham luận của Đài PTTH Vĩnh Long với nội dung “Đào tạo nguồn nhân lực ngành PTTH đáp ứng mô hình truyền thông đa phương tiện và quá trình chuyển đổi số” thì để các Đài PTTH thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện, các Đài PT-TH phải linh hoạt chuyển đổi, thoát khỏi cái bóng của cách làm truyền hình truyền thống, thay vì đưa nội dung truyền hình sang nền tảng Internet cần phải đầu tư nội dung riêng, có bản sắc riêng, có hình thức thể hiện phù hợp về thời lượng, về hàm lượng nội dung thông tin... để đăng phát trên các nền tảng số. Điều này đòi hỏi một lực lượng nhân sự sản xuất nội dung chuyên biệt, phù hợp với đặc thù của nền tảng số và nhu cầu của người dùng. Vì vậy, rất cần có những chương trình đào tạo bài bản theo từng loại hình báo chí phù hợp với từng nền tảng số nhất định để đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn trong tương lai./.

BBT

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn