MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều khách hàng thắc mắc việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong 2 tháng 5 và 6. Ảnh: Ngọc Thạch

Điện lực miền Trung lý giải lý do hóa đơn tiền điện tăng đột biến

Tường Minh LDO | 27/06/2021 08:23

Điện lực miền Trung trả lời thắc mắc của khách hàng về lý do dẫn đến việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong hai tháng 5 và 6.

Dùng ít hơn tháng trước nhưng điện vẫn tăng?

Theo Điện lực miền Trung, thời điểm này, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang bước vào các tháng cao điểm nắng nóng, cùng với tình hình dịch bệnh COVID-19 xảy ra trên diện rộng.

Một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế người dân ra khỏi nhà nếu không có công việc cần thiết, các cơ quan, trường học thay đổi hình thức làm việc và học tập sang trực tuyến,… làm cho nhu cầu sử dụng điện trong các hộ gia đình tăng cao, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng là không thể tránh khỏi.

Lắp đặt công tơ điện tử tại Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Thạch

Tổng công ty đã chỉ đạo các Công ty Điện lực luôn chú trọng công tác dịch vụ khách hàng mùa nắng nóng, không để xảy ra các sự cố chủ quan ảnh hưởng đến khách hàng sử dụng điện.

Tuy nhiên, có những hộ gia đình phản ánh họ dùng các thiết bị liên quan đến điện ít hơn (so với các tháng trước) nhưng tiền điện vẫn tăng cao.

Tổng Công ty trả lời: Việc xác định sản lượng điện tiêu thụ của hộ gia đình không những phụ thuộc vào việc sử dụng ít hay nhiều mà còn phụ thuộc vào cách thức, thói quen và thời gian, tần suất sử dụng các thiết bị điện. Ngoài ra, các yếu tố khách quan như nhiệt độ ngoài trời, trong nhà, số người sử dụng thiết bị điện… Hoặc một số nguyên nhân khác như chạm chập, rò rỉ điện sau công tơ… cũng góp phần ảnh hưởng đến sản lượng điện tiêu thụ.

Rất khó xảy ra việc ghi nhầm chỉ số điện

Cũng có nhiều người nghi ngờ côngtơ (đồng hồ) ghi chỉ số điện chưa chính xác khiến tiền điện tăng. Tuy nhiên, theo Tổng công ty Điện lực miền Trung: Công tơ là phương tiện dùng đo đếm sản lượng điện mua bán giữa ngành Điện và khách hàng. Việc quản lý hệ thống đo đếm đã được Nhà nước quy định. Công tơ được kiểm định ban đầu và định kỳ bởi các đơn vị có chức năng kiểm định. Công tơ không đảm bảo sai số cho phép sẽ không được lắp cho khách hàng.

Người dân thắc mắc về việc tiền điện tăng đột biến trong 2 tháng 5 và 6. Ảnh: Ngọc Thạch

Việc khách hàng không thống nhất với ngành Điện trong kiểm định công tơ thì có thể đề nghị các đơn vị chức năng kiểm định độc lập với ngành Điện để thực hiện. Nếu công tơ chạy đúng thì khách hàng chịu các chi phí liên quan, nếu sai thì ngành Điện chịu chi phí và thực hiện truy thu/thoái hoàn cho khách hàng.

Về ý kiến phản ánh tiền điện tăng là nhân viên ngành điện lực ghi nhầm chỉ số thể hiện trên công tơ điện. Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết: Trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVNCPC rất chú trọng công tác ghi chỉ số công tơ khách hàng bảo đảm tính chính xác vì đó là trách nhiệm của đơn vị bán điện như EVNCPC với khách hàng của mình.

Vì vậy, EVNCPC đã đầu tư, lắp đặt 3,9 triệu công tơ điện tử/ hơn 4,4 triệu khách hàng toàn miền Trung - Tây Nguyên. Nhờ hệ thống này, khách hàng có thể vào chương trình để kiểm tra mức tiêu thụ điện của gia đình bất cứ thời điểm nào trong ngày. Nếu có những bất thường thì cả ngành điện và khách hàng đều có thể kịp thời hợp tác, hỗ trợ nhau để tìm ra nguyên nhân.

Do đó, việc ghi nhầm chỉ số điện rất khó xảy ra vì có sự giám sát, kiểm tra từ cả hai phía là bên mua điện là khách hàng và bên bán điện là các Công ty Điện lực thuộc EVNCPC.

Tuy vậy, để tránh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình kiểm soát chỉ số công tơ khách hàng, ngành Điện nói chung và Tổng công ty Điện lực miền Trung nói riêng rất chú trọng trong thực hiện từng khâu của công tác này.

Cụ thể, Tổng công ty đã chỉ đạo các Công ty Điện lực trực thuộc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để giám sát và kiểm soát việc ghi chỉ số công tơ khách hàng như: Định kỳ hàng ngày rà soát sản lượng điện sử dụng của khách hàng trên chương trình kiểm soát sản lượng điện bất thường.

Cập nhật hàng ngày số liệu phúc tra GCS các khách hàng có sản lượng tăng/giảm đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề, các trường hợp sai sót trong công tác GCS, các trường hợp có sản lượng điện sử dụng bất thường đã được trao đổi với khách hàng, kiểm tra xử lý.

Xử lý nghiêm các cá nhân liên quan trong việc ghi sai chỉ số công tơ, lập hóa đơn sai do các nguyên nhân chủ quan mà không phát hiện được, dẫn đến vẫn xác nhận số liệu và lập hóa đơn tiền điện cho khách hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn