MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trải qua một thế kỷ tồn tại, dinh thự Hoàng A Tưởng mang dáng vẻ trầm tư cổ kính. Ảnh: Bảo Nguyên

Diện mạo dinh thự Hoàng A Tưởng trước khi thay “áo mới”

Bảo Nguyên LDO | 30/03/2024 09:09

Lào Cai - Trước khi thay “áo mới”, Dinh thự Hoàng A Tưởng ở cao nguyên trắng Bắc Hà mang dáng vẻ rêu phong, cổ kính và thân thuộc với đồng bào dân tộc H’Mông.

Dinh thự Hoàng A Tưởng tại thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai được xây dựng từ năm 1914, hoàn thành năm 1921 với lối kiến trúc Á - Âu. Đây là dinh thự của hai cha con Hoàng Yến Chao, Hoàng A Tưởng người dân tộc Tày, cai trị một vùng có đến 70% là dân tộc H'Mông nên vẫn thường được dân gọi là “Dinh thự vua Mèo”.
Tổng diện tích toàn khu nhà lên tới 10.000 m2, được xây dựng với bố cục hình chữ nhật, gồm 4 dãy nhà - 36 phòng liên hoàn khép kín, có đường đi trên thành cho lính gác đi tuần.
Dinh thự cổ Hoàng A Tưởng là một “chứng nhân” của lịch sử, nơi ghi dấu một phần đời sống người dân cao nguyên trắng Bắc Hà nửa đầu thế kỷ 20.
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến tranh cãi quanh “màu áo mới” được sơn phủ lên mảng tường phía trước dinh thự Hoàng A Tưởng. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, không ít các bàn luận trái chiều cho rằng màu sơn mới không phù hợp, không giữ được nét cổ kính hay màu nguyên bản của công trình.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở du lịch tỉnh Lào Cai cho biết đây mới là bước thử màu để phục vụ cho hội thảo sắp tới sẽ trưng cầu ý kiến các chuyên gia, bao gồm cả một điểm cầu trực tuyến với vùng Nouvelle-Aquitaine (Pháp). (Ảnh phối cảnh dinh thự sau khi tu bổ).
Năm 1999, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận dinh thự cổ Hoàng A Tưởng là di tích cấp quốc gia. Đây cũng là một địa điểm du lịch hấp dẫn mỗi khi du khách đến tham quan, du lịch tại cao nguyên đá Bắc Hà.
Dưới sự tư vấn của các chuyên gia, phương án trùng tu được phê duyệt cho thấy phối cảnh và bố cục màu sơn là một trong số những hạng mục phục hồi thay đổi gần sát với di tích gốc. Ngoài ra, công trình sẽ được mở rộng sân trước di tích; phá dỡ 3 nhà tạm đang thực hiện chức năng nấu rượu, kho tạm và giới thiệu sản phẩm; tháo dỡ cổng chính, mở rộng lối lên, xuống. Nhà chính cơ bản giữ nguyên kiến trúc ban đầu, việc tu bổ, tôn tạo tập trung đảm bảo sự bền vững, ngăn chặn sự xuống cấp của công trình; khôi phục chức năng, hình thức của di tích gốc, bảo tồn giá trị nguyên bản.
“Năm 2007 khi sơn lại cũng có rất nhiều dư luận khác nhau, nhưng đến bây giờ thì nó lại trở thành cổ kính, nhìn quen mắt rồi lại thấy đẹp. Thường mọi người thích vẻ bề ngoài rêu phong, song chính điều đó có thể ảnh hưởng đến kết cấu công trình”, ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai cho hay.
Sau khi đi khảo sát công trình ngày 27.3, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu cần thận trọng trong việc lựa chọn vật liệu để tôn tạo, đảm bảo giữ nguyên hiện trạng cây cối. Đồng thời cung cấp thông tin cho báo chí, truyền thông để người dân hiểu đúng bản chất của quá trình tôn tạo công trình.
Dinh thự là sự kết hợp nhuần nhuyễn, tinh tế giữa hai lối kiến trúc Á - Âu, thể hiện sự giao thoa văn hóa Đông - Tây rõ nét.
Màu thời gian nhuốm đậm trên từng viên ngói, dãy hành lang, cây cột nhà rêu phong cũ kỹ…
Dinh thự có bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín, phía sau có hệ thống đường hầm thoát hiểm.
Tuy nhiên, đến nay sau nhiều năm hoạt động, dinh thự Hoàng A Tưởng đang xuống cấp theo thời gian. Ảnh: Bảo Nguyên

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn