MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối Q.1 và Q.2 (TPHCM) đang thi công gấp rút phần cầu chính, dự kiến sẽ hợp long và thông xe kỹ thuật cuối năm 2020. Ảnh: Minh Quân

Diện mạo giao thông hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh

MINH QUÂN LDO | 02/09/2020 18:25
Theo đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) trong giai đoạn 2021-2030, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, sơ bộ nhu cầu vốn trong 10 năm tới là hơn 950.000 tỉ đồng. Mục tiêu chính là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, từ đó giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Ước mơ metro sắp thành hiện thực

Theo quy hoạch, TPHCM có 8 tuyến tàu điện ngầm (metro) với tổng chiều dài 230km. Sau nhiều lần trễ hẹn, TPHCM đang tăng tốc, bứt phá trong xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (dài 19,7km với tổng mức đầu tư 43.757 tỉ đồng) để chuẩn bị cho việc đưa vào vận hành cuối năm 2021.

Ông Huỳnh Hồng Thanh - Phó Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM - cho biết, dự kiến trong quý IV/2020, hai đoàn tàu metro số 1 sẽ được nhập về Việt Nam. Các đơn vị liên quan đang tính toán phương án cho tàu chạy thử vào cuối năm. Dự kiến, tuyến metro số 1 đưa vào khai thác vào tháng 12.2021.

Trong khi tuyến metro số 1 đang tăng tốc về đích thì tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương (dài 11,042km, tổng mức đầu tư 47.890 tỉ đồng) đang được tập trung hoàn tất giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đấu thầu các gói thầu của dự án trong năm 2020 và sẽ trao thầu, ký hợp đồng năm 2021. Dự kiến tuyến metro số 2 sẽ khởi công vào năm sau, vận hành thử và đưa vào khai thác năm 2026.

Ngoài hai dự án trên, TPHCM cũng đang đẩy nhanh xây dựng, đề xuất nhiều tuyến metro khác.

5 tuyến đường trên cao chạy quanh thành phố

Cùng với hệ thống metro, việc xây dựng các tuyến đường trên cao giúp giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường dưới mặt đất và nhằm giải quyết ùn tắc giao thông ở TPHCM vì mật độ cư dân và lượng xe ngày càng tăng. Tuy nhiên, đã gần 15 năm kể từ khi được phê duyệt quy hoạch, 5 tuyến đường trên cao tại TPHCM vẫn nằm trên giấy. Vì vậy, TPHCM đang rất quyết tâm đầu tư 5 tuyến đường trên cao này trong giai đoạn năm 2020-2030.

Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất làm trước hai tuyến đường trên cao số 1 và đường trên cao số 5. Theo đó, xây dựng đường trên cao số 1 dài khoảng 9,5km bao gồm làm 1km cầu cạn cho 2 làn xe và 8,5km cầu cạn cho 4 làn xe lưu thông. Việc xây dựng tuyến đường trên cao số 1 nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở các tuyến đường nội thành, đặc biệt giải quyết áp lực giao thông cho cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Tuyến đường trên cao số 5 có chiều dài khoảng 34km sẽ được đầu tư với quy mô 4 làn xe, chủ yếu đi trên quốc lộ 1. Dự án xây dựng tuyến đường trên cao số 5 nhằm giải quyết tình trạng quá tải trên tuyến quốc lộ 1 - đường vành đai 2 TPHCM.

Để giải quyết kẹt xe, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, sẽ ưu tiên đầu tư 5 nút giao thông lớn trong giai đoạn năm 2020-2025 gồm: Nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, nút giao Gò Dưa, nút giao Linh Xuân và nút giao Ngã tư Bốn xã. Đến năm 2025-2030, sở tập trung đầu tư 2 nút giao quốc lộ 1A - đường Vườn Lài và nút giao ngã sáu Công trường Dân Chủ. Đồng thời, sở triển khai xây dựng 4 cây cầu có quy mô lớn vượt sông gồm cầu Thủ Thiêm 3 và Thủ Thiêm 4, cầu Cát Lái và cầu Cần Giờ.

Mở bung các trục đường kết nối liên vùng

Sự liên kết giữa hệ thống giao thông đô thị TPHCM với hệ thống giao thông các vùng lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn thiếu và gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, mạng lưới đường còn thiếu, hạn chế năng lực lưu thông; đường Vành đai 2 chưa khép kín, các tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 50 chưa được đầu tư mở rộng theo quy hoạch, đường Vành đai 3, 4, hệ thống đường cao tốc hướng tâm (TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành) chưa được đầu tư. Do đó, hiện nay một lượng lớn phương tiện giao thông quá cảnh vẫn lưu thông trung tâm TPHCM, gây quá tải cho hệ thống giao thông hiện hữu, cản trở lưu thông kết nối giữa TPHCM với các tỉnh cũng như giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Để giải quyết bài toán trên, trong 5 năm tới, TPHCM sẽ tập trung nguồn lực thực hiện 3 tuyến cao tốc: TPHCM - Mộc Bài (xây dựng mới), TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và TPHCM - Trung Lương (mở rộng); tập trung các tuyến quốc lộ: 1, 13, 22, 50; tập trung các dự án xây dựng các tuyến vành đai 2 và vành đai 3.

Tiền đâu để đầu tư?

Sở Giao thông Vận tải TPHCM xác định nhu cầu vốn để đầu tư cho hạ tầng giao thông thành phố trong 10 năm tới hơn 900.000 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố là khoảng hơn 400.704 tỉ đồng, còn lại là nguồn vốn khác (vốn Trung ương, ODA, đầu tư theo hình thức đối tác công tư…).

Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, vốn nhà đầu tư tham gia không nhiều, chậm trễ mặt bằng... là những nguyên nhân đang làm chậm tiến độ của nhiều dự án giao thông TPHCM.

Về giải pháp, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - cho hay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27 cho phép TPHCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn. TPHCM đang chuẩn bị ban hành kế hoạch để triển khai, khi đó thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng được rút ngắn còn 1/3 so với trước đây.

Đề tăng nguồn thu đầu tư cho hạ tầng, theo ông Trần Quang Lâm, Nghị quyết 54 cho ngân sách TPHCM được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND TPHCM quản lý và số thu từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TPHCM làm đại diện chủ sở hữu để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Nếu đẩy nhanh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa, ngân sách TPHCM sẽ thu về một nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng.

TPHCM cũng đang rà soát các quỹ đất xung quanh các tuyến metro, các đường vành đai để điều chỉnh quy hoạch theo hướng ưu tiên phát triển giao thông công cộng, tối ưu hóa các khu vực xung quanh nhà ga, các nút giao thông lớn để tăng giá trị sử dụng đất, từ đó khai thác, tạo nguồn lực đầu tư lại cho hạ tầng.

Ngoài ra, ông Trần Quang Lâm nói rằng, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang nghiên cứu đề án thu phí hạ tầng cảng biển. Nếu thành phố triển khai, theo tính toán sơ bộ sẽ thu được khoảng 3.000 tỉ đồng mỗi năm. Nguồn thu này sẽ ưu tiên đầu tư cho các công trình giao thông kết nối cảng biển như: Cảng Cát Lái, Cảng Hiệp Phước, Cảng Long Bình…

Đặc biệt, hiện TPHCM đã hoàn thiện đề án tỉ lệ điều tiết các khoản phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố. Từ đó, TPHCM sẽ báo cáo và kiến nghị Trung ương chấp thuận nhằm tăng nguồn thu hằng năm cho TPHCM để chi cho đầu tư phát triển hạ tầng đường bộ.

Với quyết tâm tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng của chính quyền thành phố, trong 10 năm tới, TPHCM sẽ có một diện mạo giao thông hiện đại không thua kém các thành phố trên thế giới.

Các chuyên gia giao thông cho rằng, sau khi các tuyến metro hoàn tất, TPHCM sẽ có một hệ thống tuyến đường sắt đô thị đồng bộ phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân một cách thuận lợi, an toàn. Metro được kỳ vọng sẽ vực dậy được mạng lưới xe buýt trợ giá vốn đang giảm khách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn