MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng “đào xới” vỉa hè dịp cuối năm diễn ra trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội (ảnh chụp chiều 27.12). Ảnh: Hải Nguyễn

Điệp khúc áp Tết, nhiều tuyến đường, hè phố Hà Nội lại bị băm nát

LÊ HOA - TRẦN VƯƠNG LDO | 27/12/2019 14:09

Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, thời điểm cận kề Tết Dương Lịch 2020, nhiều vỉa hè trên các tuyến phố cổ, phố cũ  tại Hà Nội như: Thái Hà (quận Đống Đa), Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm), Hàng Chuối (quận Hai Bà Trưng)… đang bị đào xới để phục vụ thi công đường ống và lát lại đá vỉa hè mới theo quy chuẩn thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đáng chú ý nhiều tuyến đường, hè phố mới làm lại bị đào lên.

Đào xới ban ngày, tập kết vật liệu bừa bãi

Nhiều đoạn đường đang đào xới, tập kết ngổn ngang vật liệu xây dựng để lát đá vỉa hè. Việc thi công sẽ diễn ra vào ban ngày, buổi sáng bắt đầu từ 7h - 11h30, buổi chiều từ 13h30 - 17h. Việc thi công vào ban ngày khiến khiến cho người đi bộ phải di chuyển xuống phía dưới lòng đường dành cho ôtô, xe máy. Đối diện khu vực thi công, phần vỉa hè dành cho người đi bộ được tận dụng thành nơi tập kết đất cát, vật liệu xây dựng, dẫn đến tình trạng khói bụi bay mù mịt dọc cả tuyến phố.

Nhiều ngày nay đoạn đường từ phố Thi Sách đến phố Huế, phần lớn vỉa hè của tuyến phố cũng đã bị biến thành “đại công trường” ngổn ngang. Anh Nguyễn Thế Anh (28 tuổi, phố Thái Hà - nhân viên một tiệm cà phê) cho biết, việc thi công vỉa hè đã được thực hiện nhiều tuần nay. “Lát đá lại làm cho vỉa hè sạch đẹp hơn nhưng việc thi công cũng nhiều bụi bặm quá. Mặt khác, vào thời điểm cuối năm nên tắc đường triền miên. Không hiểu sao cứ vào cuối năm người ta lại mới thực hiện việc chỉnh trang này” - anh Thế Anh đặt câu hỏi.

Một điều khiến nhiều người dân Thủ đô băn khoăn đó là việc lát đá vỉa hè thường được thực hiện vào những dịp cuối năm. Các năm trước, cũng vào khoảng thời gian này, nhiều tuyến vỉa hè lại được trang hoàng, “thay áo mới”. Đây cũng chính là khoảng thời gian đường phố tấp nập, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc nhất trong năm.

Trong một diễn biến liên quan, những ngày qua chất lượng không khí của Thủ đô Hà Nội luôn ở mức “xấu” và “rất xấu”. Các số liệu quan trắc cho thấy chỉ số ô nhiễm không khí của Thủ đô liên tục nhảy vọt. Nhiều ngày trong tuần chỉ số AQI từ Airvisual liên tục ở mức “đỏ”. Tổ chức này đưa ra cảnh báo, chỉ số không khí này không “lành mạnh cho các nhóm nhạy cảm”. Theo các chuyên gia về quan trắc, bụi từ các công trình giao thông cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng bụi và ảnh hưởng tới chất lượng không khí vốn đang ô nhiễm của thành phố.

Trao đổi về việc vì sao cuối năm Hà Nội lại tiến hành rào chắn, thi công nhiều con đường, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: “Thực tế, việc thi công, thực hiện những dự án được triển khai quanh năm. Tuy nhiên, có những công việc, nhiệm vụ đột xuất được bổ sung vào khoảng tháng 10, vì vậy, chúng tôi phải triển khai thực hiện công việc ngay. Thêm vào đó, những dự án trọng điểm sẽ kéo dài vì vậy xuất hiện tình trạng làm đường vào dịp cuối năm”.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, những tuyến đường làm được trước, phục vụ nhân dân đi lại thì sẽ “thúc” đơn vị thi công nhanh để hoàn thành. Ví dụ như đoạn đường Quang Trung - Trần Phú - Nguyễn Trãi, Sở chỉ đạo làm nhanh để trước Tết Nguyên đán hoàn thành thông xe. Bên cạnh đó, ngoài Tết sẽ thực hiện các phần việc phụ trợ để hoàn tất dự án.

Trao đổi về việc dư luận đặt ra phải chăng thi công công trình cuối năm để “chạy” cho kịp… chỉ tiêu giải ngân, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định: “Không có chuyện như vậy”.

Yêu cầu tháo dỡ nhiều rào chắn nhằm đảm bảo giao thông

Tới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ rà soát lại các điểm rào chắn, yêu cầu tháo dỡ “lô cốt” đối với những đoạn đường nhà thầu rào nhưng chưa thi công. Một số tuyến đường đang rào chắn nhưng diện tích còn lại quá nhỏ cũng rà soát để thu hẹp hàng rào lại để phương tiện lưu thông thuận lợi hơn dịp cuối năm.

Trước vấn đề nhiều tuyến đường thi công cuối năm, lát đá vỉa hè các quận nội đô, ông Nguyễn Xuân Thuỷ - nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giao thông vận tải - Bộ GTVT cho biết, bất cập giữa tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là những nguyên nhân khiến ùn tắc giao thông diễn ra trầm trọng ở nhiều thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. Vào những ngày cuối năm, nhu cầu đi lại, mua bán của người dân càng tăng cao, áp lực lên giao thông Thủ đô càng lớn. Vậy mà lại thi công các tuyến đường, rào chắn “lô cốt” hoặc lát đá lại vỉa hè sẽ khiến cho người dân đi lại phiền hà hơn.

Theo ông Thuỷ, việc sửa chữa đường phố cần được lên kế hoạch một cách tổng thể và dài hạn. Căn cứ vào tình hình thực tế, có thể ưu tiên sửa chữa những tuyến phố ít cửa hàng và người dân đi lại vào dịp cuối năm và sửa chữa các tuyến phố có nhiều hộ kinh doanh để hạn chế ảnh hưởng tới người dân dịp trong năm. “Tuy nhiên, nêu suy xét kỹ lưỡng về điều kiện giao thông, cuối năm tuyệt đối không phải là thời điểm phù hợp để đào xới, thi công vỉa hè hay lòng đường. Đồng thời, đây cũng là lúc thời tiết hanh khô, cho nên thi công các công trình sẽ gia tăng ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, đối với các công trình trọng điểm đang thi công, Sở GTVT nên tổ chức rà soát thu hẹp rào chắn với phần công trình đã hoàn thiện hoặc chưa thi công”, ông Thuỷ nói.

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, để các công trình, dự án thi công trên đường không ảnh hưởng đến giao thông, vệ sinh, cảnh quan môi trường thành phố, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo Phòng Kết cấu hạ tầng xây dựng kế hoạch yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các hạng mục thi công theo kế hoạch, tiến hành thu dọn, hoàn trả lại mặt đường theo quy định; đối với những hạng mục vẫn còn thi công lâu dài trên hè, đường chậm nhất trước 15.1.2020 (13 tháng Chạp năm Kỷ Hợi) phải dừng mọi việc thi công. Sở GTVT cũng dừng việc cấp phép đào đường, vỉa hè từ thời điểm này cho đến hết thời gian nghỉ Tết theo quy định…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn