MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ vụ cháy chung cư mini cho thấy, kinh nghiệm và trang bị là điều vô cùng cần thiết để sống sót khi xảy ra hoả hoạn trong các tòa nhà nhà ống ở ngõ nhỏ, hẹp. Ảnh: Hải Nguyễn

Điều cần làm khi gặp hoả hoạn ở nhà ống, nhà cao tầng nằm trong ngõ nhỏ

Khánh Linh LDO | 14/09/2023 20:31

Nhìn từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, để hạn chế hoả hoạn xảy ra cũng như có thể sống sót, thoát ra ngoài thì những kinh nghiệm và trang bị là điều vô cùng cần thiết khi sống ở các tòa nhà ống trong khu dân cư đông đúc hoặc nằm trong ngõ nhỏ, hẹp, xe chữa cháy không thể vào kịp.

Đêm 12.9, một vụ hoả hoạn đã xảy ra tại chung cư mini ở ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội).

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) đã tới hiện trường, phối hợp cùng chính quyền, nhân dân địa phương tổ chức chữa cháy.

Đến 0h15 cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt, các lực lượng đã giải cứu hơn một trăm người bị mắc kẹt. Tuy nhiên, vụ cháy đã để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, 56 người tử vong.

Vấn đề đặt ra sau vụ cháy, khi sống ở các tòa nhà ống, nhà cao tầng trong khu dân cư đông đúc hoặc nằm trong ngõ nhỏ, hẹp, xe chữa cháy không thể vào kịp, chúng ta cần làm những gì để có thể sống sót, thoát ra khỏi vụ hoả hoạn.

Theo các chuyên gia về PCCC và CNCH, việc đầu tiên người dân cần làm khi gặp hoả hoạn là tìm lối thoát hiểm nhanh nhất có thể.

Nhiều nhà ống, nhà cao tầng nằm trong các khu vực ngõ nhỏ, hẹp, xe chữa cháy khó tiếp cận khi xảy ra hoả hoạn. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo đó, khi có cháy, người dân cần xác định được lối ra an toàn, có thể đi bằng lối thoát hiểm hoặc theo thông báo chỉ dẫn của tòa nhà.

Thông thường, các lối thoát đến nơi an toàn bao gồm lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng, lối ra ban công, lối lên trên sân thượng để có thể chạy sang các công trình liền kề xung quanh.

Khi băng qua khu vực có lửa và khói cần dùng mặt nạ phòng độc, quấn chăn, quần áo, khăn ướt trùm lên mặt để tránh ngạt khói.

Ngoài ra, người dân có thể nối vải hoặc dùng thang dây thoát hiểm. Trong lúc di chuyển cần cúi khom, men theo tường. Tìm lối thoát hiểm khác nếu thấy nhiệt độ ở trong quá cao.

Người dân cũng cần trang bị một số thiết bị PCCC như thang dây, mặt nạ dưỡng khí. Ảnh: Hải Nguyễn

Bộ công an khuyến cáo, người dân không nên chạy vào nhà vệ sinh để tránh nạn, bởi rất dễ bị ngạt khói.

Người bị nạn có thể dùng vải nối lại, hoặc thang dây để leo xuống đất. Tuy nhiên, tuyệt đối không nhảy từ tầng cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.

Cùng với đó, khi xảy ra cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (số điện thoại 114) và báo cho Công an hoặc chính quyền nơi gần nhất, đồng thời bằng mọi cách dập lửa và tổ chức việc thoát nạn, cứu người theo phương án.

Bên cạnh những kinh nghiệm nói trên, để tăng khả năng sống sót, người dân cũng cần trang bị một số thiết bị PCCC như thang dây, mặt nạ dưỡng khí, dây thoát hiểm...

Mới đây, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TPHCM cũng vừa đưa ra khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC chung cư mini, nhà trọ, phòng trọ. Theo đó, cơ quan chức năng khuyến cáo cần thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện và các thiết bị điện định kỳ để tránh nguy cơ chập điện gây cháy hoặc ngắn mạch.

Quản lý chặt chẽ trong quá trình sạc điện đối với các phương tiện sử dụng pin. Tuyệt đối không sạc qua đêm khi không kiểm soát được các thiết bị đang sạc. Không đốt nhang, nến thờ cúng khi đi ngủ, khi ra khỏi nhà.

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra hệ thống gas, nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu… phải tắt lửa hoàn toàn khi đi ra ngoài và làm việc khác. Không sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần không đảm bảo an toàn PCCC.

Tìm hiểu kiến thức an toàn PCCC, trang bị các dụng cụ phương tiện chữa cháy và thoát nạn phù hợp với kiến trúc nơi ở.

Đặc biệt, chìa khóa phòng trọ, căn hộ, nhà ở phải để nơi dễ lấy và phổ biến cho gia đình biết; nghiên cứu, tận dụng bố trí lối thoát nạn thứ 2 trên cửa sổ, mái nhà, qua ban công; trang bị dụng cụ phá dỡ phù hợp với đặc thù nơi ở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn