MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá nước sinh hoạt tại Hà Nội được điều chỉnh sau 10 năm. Ảnh Thuỳ Trang

Điều chỉnh giá nước sinh hoạt không tác động nhiều thu nhập người dân

Bảo Bình LDO | 29/06/2023 19:26
Với mức tăng giá nước sinh hoạt từ 1.7, tính theo nhu cầu tiêu dùng nước thực tế của các hộ dân tại nội thành Hà Nội (10-16 m3/tháng/hộ), số tiền các hộ phải chi thêm tăng từ 15.000 – 26.000 đồng/tháng; ở khu vực nông thôn (6-8 m3/tháng/hộ), số tiền nước sinh hoạt phải chi thêm tăng từ 10.000 - 13.000 đồng/tháng/hộ. 

Tiền nước bằng 0,72% tổng thu nhập/hộ gia đình/tháng

Dự kiến từ 1.7, giá nước sinh hoạt tại Thủ đô được điều chỉnh tăng từ 5.973 đồng/m3 lên mức 7.500 đồng/m3 và tới 1.1.2024, giá nước sạch tiếp tục tăng lên mức 8.500 đồng/m3 (đối với hộ sử dụng dưới 10m3/tháng).

Việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn Thủ đô Hà Nội xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch. 

 Giá nước sinh hoạt dự kiến tăng từ 1.7.2023. Ảnh chụp màn hình

Thực tế, mức tăng giá nước sinh hoạt theo lộ trình, cơ bản không tác động nhiều thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt.

Với mức tăng trên, tính theo nhu cầu tiêu dùng nước thực tế của các hộ dân tại khu vực nội thành Hà Nội (10-16 m3/tháng/hộ), số tiền các hộ dân phải chi thêm tăng từ 15.000 – 26.000 đồng/tháng; ở khu vực nông thôn (6-8 m3/tháng/hộ) số tiền nước sinh hoạt phải chi thêm tăng từ 10.000 - 13.000 đồng/tháng/hộ. 

Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chỉ chiếm 0,72% (Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng Cục Thống kê công bố: Số nhân khẩu bình quân một hộ khu vực thành thị là 3,5 người, khu vực nông thôn là 3,7 người. Mức thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng/người, một gia đình là 22,4 triệu đồng/hộ). 

Do vậy, với phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.

Vấn đề cấp thiết cần tăng giá nước sạch

Trên thực tế, giá tiêu thụ nước sạch tại Hà Nội thực hiện theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND và Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 19.9.2013, đến thời điểm năm 2023 đã thực hiện được 10 năm, về cơ chế chính sách đã thay đổi, giá các yếu tố đầu vào đã tăng nên giá nước theo quy định tại Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND và số 39/2013/QĐ-UBND đến thời điểm hiện nay đã không còn phù hợp chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của các công ty cấp nước. 

Thứ nhất, việc không điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch có thể dẫn tới các tác động tiêu cực như không đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch. Bởi giá nước không điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các nhà máy nước mới; các dự án cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước đang vận hành theo quy hoạch cấp nước. 

Thứ hai, việc không tăng giá nước sạch khiến không đủ điều kiện nâng cao chất lượng nước sạch. Bởi, để xử lý nước đạt QCVN01-1:2018/BYT thì cần phải đầu tư công nghệ xử lý nước mới và cải tạo hệ thống cấp nước cũ. Do vậy, với giá nước chưa được điều chỉnh thì các đơn vị cấp nước không đủ nguồn lực để tái đầu tư, kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch.

Thứ ba, nếu không tăng giá nước sạch sẽ khó thu hút các nhà đầu tư. Thực tế, giá nước chậm điều chỉnh là hạn chế đối với việc xã hội hóa thu hút các nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cấp nước, Thành phố đã kêu gọi thu hút được 23 nhà đầu tư tư nhân, triển khai 39 dự án cấp nước gồm cả dự án nguồn nước và mạng lưới. Trong đó có doanh nghiệp không thực hiện dự án, phần lớn các dự án còn lại đều chậm tiến độ hoàn thành.

Thứ tư, việc không tăng giá nước sạch sẽ khó khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm. Nước là nguồn tài nguyên tái tạo, tuy nhiên nguồn cung cấp nước sạch đang ngày càng giảm đi trong khi nhu cầu sử dụng của con người ngày càng tăng cùng với tốc độ tăng của dân số. Việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề quan trọng và bức xúc không chỉ với Việt Nam, mà có tính chất toàn cầu. 

Do vậy, việc xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thành phố là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tế, khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm và chủ trương của nhà nước trong việc quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh nước sạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn