MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điều gì sẽ xảy ra khi rơi xuống trụ bê tông sâu 35m?

PV LDO | 05/01/2023 09:16
Chuyên gia của công ty chuyên về lĩnh vực thi công nền móng và công trình ngầm tại Việt Nam đã lý giải thêm về nguyên nhân tử vong sau tai nạn lọt trụ bê tông sâu 35m của bé trai ở Đồng Tháp. 

Tối ngày 4.1.2023, lực lượng cứu hộ xác nhận, cháu bé T.L.H.N (2012, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đã tử vong sau 4 ngày không may bị rơi xuống trụ bê tông sâu khoảng 35m tại công trường cầu Rọc Sen.

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, sau gần 100 giờ tìm kiếm với nhiều phương án nhưng chưa thành công, cọc bê tông dài 35m nơi cháu bé bị mắc kẹt chưa thể rút lên được.

Việc xác định cháu bé tử vong được liên ngành giữa pháp y, y tế, chính quyền địa phương đánh giá dựa trên các yếu tố như: vị trí bé bị tai nạn, rơi vào ống cọc có độ sâu, thời gian kéo dài, bị chấn thương, đồng thời quan sát hiện trường cùng các yếu tố chuyên môn khác, nên giai đoạn đầu tiên lượng xấu.

Lực lượng chức năng chưa nhổ được trụ bê tông nơi cháu bé gặp nạn. Ảnh chụp lúc 11h ngày 4.1.2023. Ảnh: Thành Nhơn

Nguy hiểm nhất là nguy cơ ngạt khí

Trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia của Công ty cổ phần FECON, đơn vị chuyên về lĩnh vực thi công nền móng và công trình ngầm tại Việt Nam lý giải thêm về trường hợp tai nạn của bé T.L.H.N.

Theo vị chuyên gia này, cọc có nhiều đường kính khác nhau, cọc càng to thì nguy cơ bị lọt vào/rơi xuống càng lớn.

Thậm chí, người lớn cũng có thể rơi xuống đối với loại cọc có đường kính ngoài từ D700-800-900-1000, đường kính trong khoảng từ 40-45cm. 

Đối với vụ việc của bé T.L.H.N ở Đồng Tháp thì cọc đường kính ngoài chỉ 500, đường kính trong khoảng 25cm mà cháu nhỏ vẫn có thể rơi xuống.

Thông thường các cọc sẽ bịt kín mũi nên không bị ngập nước. Tuy vậy, vẫn có một số trường hợp cọc bị rò rỉ nước nên vẫn có nguy cơ ngập nước.

Với các thiết kế khác nhau, cọc có thể được nối với nhau bằng các mối hàn, bề mặt trong lòng cọc cũng không thật sự trơn nhẵn, khi lọt vào có thể gây ra các tổn thương.

Bên cạnh đó, cọc được cắm sâu qua các tầng địa chất khác nhau như: sỏi đá, cát thì tỉ lệ sinh tồn sẽ cao hơn là cọc được cắm ở các tầng địa chất là bùn lầy.

Và ở Đồng Tháp, do địa chất phù sa bồi lấp nên bùn lầy sẽ rất nhiều, và nguy cơ ngạt bùn nước là hoàn toàn có thể xảy ra. 

Trong quá trình thi công, nếu gặp trời mưa, nước mưa rơi xuống chảy vào cọc, còn gây đọng nước trong lòng cọc.

Khi rơi xuống, người sẽ tuột từ từ, ma sát giữa cơ thể với lòng cọc có thể gây thương tích.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất vẫn là nguy cơ ngạt khí do môi trường hẹp.

Khi bị rơi xuống thì trong lòng cọc là môi trường thiếu khí nên chỉ có thể thở trong thời gian ngắn nếu không được giải cứu kịp thời.

Do đó, khi bị rơi xuống lòng cọc như vậy, nạn nhân có thể mất mạng bởi các lí do: thương tích do đất đá trong lòng cọc, thiếu oxy, ngạt nước... 

"Thông thường, trong quy trình thi công, để đảm bảo sự an toàn trên công trường, các đầu cọc phải được che đậy, lấp đất, khu vực thi công phải được giăng dây an toàn để tránh những trường hợp tai nạn hi hữu đáng tiếc như vụ bé T.L.H.N", vị chuyên gia cho hay. 

Biện pháp an toàn 

Phải căng dây cảnh báo, treo biển ở khu vực thi công. Đồ hoạ: Văn Thắng

Còn theo chuyên gia an toàn tiêu chuẩn Iso 45001 và 14001 Đỗ Văn Thắng, hiện tại, nhiều dự án thi công xây dựng vi phạm qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng.

Các vi phạm điển hình như khu vực thi công không có rào chắn, không biển báo, không có bảo vệ trông coi nên xảy ra trường hợp người dân sống trong khu vực lân cận đi vào khu vực thi công, đặc biệt là trẻ em dẫn đến các tai nạn thương tâm như đuối nước tại hố đào mở, rơi xuống lỗ cọc bê tông dự ứng lực hoặc  khoan nhồi, điện giật...

Thực tế đã nhiều tai nạn đau lòng do vi phạm về an toàn trong thi công xây dựng như vụ bé gái 5 tuổi rơi xuống hố cọc sâu 15m tại huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai ngày 19.12.2022, hay vụ bé trai 7 tuổi lọt cống công trình chết đuối tại phường Bửu Long, TP Biên Hòa tháng 8.2020…

Phải che đậy đầu cọc bằng những tấm thép tròn dầy 5mm ở các hố cọc. Đồ hoạ: Văn Thắng.

Theo chuyên gia an toàn Đỗ Văn Thắng, để ngăn ngừa những vụ tai nạn tái diễn cần thực hiện một số biện pháp an toàn sau: 

Tại những hố đào mở phải căng dây cảnh báo, treo biển hố sâu, cấm bơi lội.

Tại những hố cọc, đầu cọc dự ứng lực khi thi công, để đảm bảo an toàn, không bị tuột xuống hố cọc thì phải che đậy đầu cọc bằng những tấm thép tròn dầy 5mm và hàn thêm thanh thép tròn phi 6 để chống xê dịch hoặc lấp đầy hố cọc bằng cát hoặc bọt biển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn