MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sân bay thứ 2 của Hà Nội sẽ hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Định hướng quy hoạch đường hàng không khi Hà Nội có sân bay thứ 2

PHẠM ĐÔNG LDO | 11/12/2023 08:30

Sân bay thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội nằm ở phía Nam và có công suất từ 30 - 50 triệu hành khách/năm, sẽ hỗ trợ đắc lực cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo UBND TP Hà Nội, đồ án đã thể hiện những mục tiêu, quan điểm, định hướng tổng thể và các giải pháp trọng tâm phát triển Thủ đô, trong đó có định hướng quy hoạch đường hàng không.

Đáng chú ý, về định hướng quy hoạch sân bay thứ 2, Hà Nội dự kiến bố trí không gian phát triển Cảng hàng không thứ 2 tại khu vực phía Nam của trục cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5B, giữa cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt thống nhất Bắc - Nam và trục giao thông kinh tế phía Nam, thuộc địa bàn một số xã thuộc huyện Ứng Hòa.

Sân bay thứ 2 ở Hà Nội dự kiến đầu tư xây dựng vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050.

Thành phố cũng cập nhật và rà soát quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ là cửa ngõ quan trọng nhất trong giao lưu quốc tế của khu vực miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Đây sẽ là cảng hàng không cấp 4F, lưu lượng hành khách thông qua đến năm 2030 là 60 triệu khách/năm, diện tích khoảng 1.500 ha; đến năm 2050 là 100 triệu khách/năm, diện tích khoảng 2.200 ha, mở rộng về phía Nam.

Còn Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội sẽ hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nằm ở phía Nam Thủ đô.

Trước mắt, đây là cảng hàng không nội địa (đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi sang phục vụ cảng hàng không quốc tế khi cần thiết). Sân bay này có công suất từ 30 - 50 triệu hành khách/năm, diện tích 1.300 – 1.500 ha.

Hà Nội cũng dự kiến khai thác sử dụng sân bay Hòa Lạc, sân bay Gia Lâm theo hướng lưỡng dụng, kết hợp sử dụng cho mục đích quân sự với dân dụng. Đồng thời xác định cụ thể các cảng hàng không tiềm năng khác nếu có.

Đồ án cũng cập nhật quy hoạch đường sắt quốc gia đầu mối trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Theo đó, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và bố trí quỹ đất cho các ga trên địa bàn thành phố tại khu vực Ngọc Hồi và Phú Xuyên theo nghiên cứu tiền khả thi đang triển khai thực hiện.

Giữ nguyên vị trí và hướng tuyến mạng lưới đường sắt quốc gia. Chuyển đổi đoạn tuyến đường sắt quốc gia xuyên tâm Yên Viên – Ngọc Hồi và Gia Lâm - Phú Thị - Lạc Đạo sang đường sắt đô thị, đồng thời điều chỉnh quy mô, tính chất ga Cổ Bi chỉ còn chức năng phục vụ đường sắt đô thị.

Rà soát, điều chỉnh mở rộng ga Ngọc Hồi về phía Tây để bố trí thêm các nhu cầu xây dựng depot tuyến đường sắt tốc độ cao, ga hàng hóa đường sắt quốc gia và dự trữ phát triển ngành công nghiệp đường sắt.

Rà soát điều chỉnh quy mô ga Yên Viên, Bắc Hồng, bổ sung ga Yên Thường cho tuyến đường sắt vành đai phía Đông, xem xét điều chỉnh vị trí quy hoạch ga Tây Hà Nội để đảm bảo tính khả thi.

Bổ sung quỹ đất phục vụ di dời các cơ sở đường sắt trong khu vực nội thành hiện có (Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Xí nghiệp đầu máy toa xe...).

Nghiên cứu bổ sung khả năng chạy chung tàu đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị trên tuyến đường sắt vành đai; nghiên cứu bổ sung kết nối các tuyến đường sắt đô thị với mạng lưới đường sắt quốc gia và các đầu mối giao thông lớn (cảng đường thủy, sân bay...).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn