MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dỡ bỏ biển cấm taxi tại các tuyến phố ở Hà Nội có gây ùn tắc giao thông?

Phạm Đông - Thu Hiền LDO | 14/02/2023 06:47

Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị quản lý bảo trì đường khảo sát lại các tuyến phố cấm taxi trên địa bàn. Điều này đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều lái xe taxi, cũng như chuyên gia giao thông.

Lái xe taxi thấy phiền, người dân thấy bất tiện

Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu dỡ bỏ biển cấm taxi trên nhiều tuyến phố trung tâm. Theo ghi nhận của Lao Động, hầu hết các lái xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ đều mong muốn dỡ bỏ lệnh cấm đỗ xe tại các tuyến phố.

Làm nghề taxi được 11 năm, anh Phạm Văn Cầu, (33 tuổi quê ở Thái Bình) cho biết, anh đã gặp rất nhiều khách hàng thắc mắc về vấn đề không được đến đón tận nơi tại các tuyến phố cấm.

Anh Phạm Văn Cầu chia sẻ về những phiền phức mà anh gặp phải với biển cấm đỗ xe taxi. Ảnh: Thu Hiền

“Mới hôm qua, tôi có đón một khách hàng tại đường Láng Hạ và khách đã phải xách vali sang đoạn đường không có biển cấm để bắt xe đi. Hơn nữa, cũng rất nhiều khách hàng phàn nàn với tôi rằng tại sao không vào tận nơi để đón. Nhưng tôi muốn cũng không vào được, vì nếu vào các tuyến phố cấm đỗ sẽ bị phạt mấy trăm nghìn đồng thì chuyến xe đấy tôi lỗ nặng”, anh Cầu chia sẻ. 

 Biển cấm xe taxi trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Phạm Đông

Với những lý do trên, anh Cầu rất mong muốn các cơ quan chức năng sẽ xem xét, sớm triển khai gỡ bỏ biển cấm để thuận tiện cho cả khách hàng và lái xe.

Còn anh Phạm Hữu Thông, 27 tuổi (quận Hoàng Mai) cho rằng, việc dỡ các biển cấm đỗ taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ đáng lẽ phải được thực hiện từ lâu. Taxi cũng là phương tiện công cộng, phục vụ, lưu thông liên tục chứ không dừng đỗ nhiều mà cấm.

Anh Phạm Hữu Công mong sớm gỡ biển cấm taxi để lái xe cũng như khách hàng có thể thuận tiện hơn. Ảnh: Thu Hiền

"Rất nhiều lần tôi chở khách và khách phải đi bộ đến 1km về nhà ở các tuyến phố cấm taxi. Nếu lái xe chấp hành, không dừng quá lâu để chờ, chèo kéo khách thì sẽ không gây ra ùn tắc giao thông”, anh Công nói.

Biển cấm xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ trên nhiều tuyến phố Hà Nội. Ảnh: Thu Hiền

Taxi không phải nguyên nhân chính gây ùn tắc

Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng, việc gỡ biển cấm đỗ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ là hoàn toàn hợp lý và chỉ nên để biển cấm đối với tuyến phố đi bộ hoặc nơi quá ùn tắc giao thông.

Theo ông Bình, những nơi như đường Láng Hạ, Giảng Võ, Lê Văn Lương,... có nhiều văn phòng, toà nhà cao cấp, người dân, thậm chí cả người nước ngoài làm việc nên phải đi lại nhiều. Nếu cấm taxi, họ rất khó khăn cho việc tiếp cận đến các khu vực đó. 

Ông Bình lấy ví dụ các gia đình có người bệnh, người cao tuổi, thai phụ đến viện sinh nở, khám bệnh... mà không có taxi đến tận nhà để đón thì người ta đi bằng gì? Vậy nên, việc cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ từ xưa đến nay sẽ không hợp lý.

Trước câu hỏi về vấn đề ùn tắc giao thông, ông Bình cho rằng việc số lượng xe đi vào tuyến phố tăng, tất nhiên cũng gây ùn tắc. Tuy nhiên, để giảm ùn tắc bền vững thì nên hạn chế xe cá nhân hơn là cấm xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào.

 Taxi bị cấm theo giờ trên tuyến đường Láng Hạ. Ảnh: Phạm Đông

Còn theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, trong giới hạn quy hoạch hợp lý, nên để taxi hoạt động tự do và chính taxi cũng là yếu tố quan trọng giảm bớt ùn tắc trong đô thị.

Theo ông Thủy, taxi, xe buýt là giao thông công cộng không nên cấm, nhất là những chỗ gần bệnh viện.

"Nhỡ có người ốm hay người già muốn đi, cần taxi vào đón tận cửa thì phải làm sao? Cho nên, việc bãi bỏ biển cấm taxi là hợp lý, thuận tiện hơn rất nhiều là cứ cấm taxi đi vào các tuyến phố. Hơn nữa, việc sử dụng các phương tiện công cộng như taxi tăng lên, xe ôtô cá nhân giảm đi thì tình trạng ùn tắc cũng sẽ giảm", ông Thủy nhấn mạnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn