MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện trên đường Ngụy Như Kon Tum (Hà Nội) ngày 15.5.2017. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Độ, chế tăng vận tốc cho xe đạp điện: Nguy cơ thành... “xe điên”

NHÓM PV THỜI SỰ LDO | 17/05/2017 06:39
Xe đạp điện khi đưa ra thị trường đã được nhà sản xuất khống chế tốc độ ở mức 25km/h, đảm bảo an toàn vận hành cho người điều khiển. Tuy nhiên, bất chấp những quy định của pháp luật và khuyến cáo của nhà sản xuất, nhiều “quái xế” đã mạnh dạn độ, chế xe, thay đổi kiểu dáng, kết cấu, nâng tốc độ lên đến 40-45km/h… để thể hiện “đẳng cấp”, gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông.

Xe đạp điện cũng trở thành... “xe điên”

Theo nhận xét của công an một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, nếu trước đây chủ yếu là sinh viên, học sinh THPT, người cao tuổi sử dụng xe đạp điện, thì hai năm trở lại đây số học sinh THCS điều khiển xe đạp điện tăng mạnh. Điều dễ nhận thấy là các em không đội mũ bảo hiểm (MBH), đeo tai nghe, phóng nhanh, vượt ẩu, chở 3 người, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ngoài ý thức người sử dụng thì hiện nay, một vấn đề báo động đang diễn ra là nhiều “quái xế” đã tự ý “nâng đời”, “chế”, “độ”, thay đổi kết cấu, vận tốc của xe. Điều này, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, độ an toàn của phương tiện và thậm chí sẽ biến chiếc xe trở thành “xe điên”.

Anh Hoàng Minh Đạt (ở phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân) một tay chơi khá rành rẽ chuyện “độ, chế” xe cho biết: Việc “độ, chế” xe khá tốn kém và hơi mạo hiểm nhưng làm cho chiếc xe tốc độ hơn, khác lạ hơn, mạnh mẽ hơn. Để tăng tốc độ cho xe đạp điện có thể gỡ bỏ một số bộ phận không cần thiết trên xe; ngoài ra, có thể thay thế nguồn cung cấp điện cho xe từ ắc quy lên pin Lithium để giảm bớt trọng lượng cho xe.

Trao đổi với Lao Động, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (nguyên cán bộ xử lý vi phạm giao thông Đội CSGT số 1 - Công an Hà Nội) cho hay, trong trường hợp, nếu người sử dụng “độ” hay “chế” để tăng vận tốc của chiếc xe thì sẽ rất nguy hiểm cho bản thân người sử dụng và những người liên quan.

Theo thượng tá Quỹ, các nhà sản xuất đã căn cứ vào chuyển động và biện pháp an toàn đảm bảo cho tốc độ 25km/h. Như vậy, khi chúng ta vượt quá vận tốc cho phép thì chắc chắn phá vỡ mức độ an toàn của chiếc xe. Cũng theo thượng tá Quỹ, để xử lý hành vi “độ, chế” xe, ngoài công tác tuần tra thường xuyên, các đơn vị cũng tổ chức cho những cơ sở sửa chữa xe ký cam kết không “độ, chế” phương tiện. Ngoài ra, để giải quyết vấn đề này, các trường học và chính quyền cơ sở cần vào cuộc, phối hợp với lực lượng công an rà soát các đối tượng, phát hiện và xử lý những phương tiện “độ, chế” để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Một cán bộ Đội CSGT số 6 - Công an Hà Nội cho hay, hiện đội chưa bắt và xử lý trường hợp nào về việc độ xe điện. Còn một cán bộ Đội CSGT số 4 (Công an Hà Nội) cho rằng, hiện nay xe đạp điện là một phần gây ra tai nạn giao thông. Bởi lẽ, xe đạp điện di chuyển với tốc độ cũng tương đối cao, không có tiếng nổ như xe máy, chính vì vậy khi đi ở trong ngõ ngách, trường hợp bất ngờ không thể xoay trở kịp. Hơn thế, nếu mà “độ” sẽ rất dễ trở thành “xe điên”.

Nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện (chụp trước cổng Trường THPT Quang Trung sáng 15.5).

Nhiều tai nạn thương tâm do xe đạp điện

Cách đây hai ngày (14.5), tại thôn Bất Trí, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe Camry do anh Phạm Tuấn Thành (SN 1986, cán bộ hành chính của BVĐK huyện Quế Võ) cầm lái với các phương tiện giao thông khác. Theo đó, vụ tai nạn khiến 3 học sinh ngồi trên xe đạp điện tử vong. Thực tế, các bệnh viện cũng đã trực tiếp xử lý nhiều ca bị tai nạn do xe đạp điện, nhiều cháu bé chấn thương sọ não vì phương tiện này.

Theo TS-BS Hoàng Ngọc Sơn - Khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức - trường hợp đáng buồn nhất là cháu N.H.L (11 tuổi, trú tại Hà Nam) đi học bằng xe đạp điện. Cháu bị ngã xe, va vào xe ôtô đang đi bên cạnh dẫn tới chấn thương sọ não. Do chấn thương quá nặng, gia đình phải xin bé về nhà. Hay trường hợp của bà H (53 tuổi) điều khiển xe đạp điện đi ở đường Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội. Do bà H ngại dải phân cách mà đi ngược đường một đoạn và đâm vào phương tiện khác dẫn tới chấn thương.

Còn bệnh nhân Nguyễn Thị T (14 tuổi, ở Mỹ Hào, Hưng Yên) được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị đa chấn thương, giập não, vỡ xương thái dương, gãy xương mác bên chân trái. Được biết, T và bạn tham gia giao thông bằng xe đạp điện và không làm chủ được tốc độ, đâm vào ôtô khiến người bạn đi cùng tử vong, còn cháu T phải đến bệnh viện.

Theo TS Sơn, xe đạp điện là phương tiện tương đối thuận tiện, có vẻ an toàn khi tốc độ trung bình, nhưng nếu đi ở tốc độ 40km thì khi ngã, chấn thương nặng như khi đi xe máy. Trong khi đó, người đi xe đạp điện rất ít khi đội mũ bảo hiểm.

Kiến nghị lên Thủ tướng: Quản lý chặt xe đạp điện

Tại cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp ngày 17.5 tới đây, Nhóm Công tác Công nghiệp ôtô - xe máy (VBF) đã gửi kiến nghị đáng lưu ý về việc thực thi pháp luật về các vấn đề an toàn giao thông.

Theo kiến nghị này: Hiện nay, mật độ của việc sử dụng xe đạp điện và xe máy có xu hướng tăng với kiểm soát không chặt chẽ dẫn tới rủi ro lớn cho người sử dụng và xã hội. Hầu hết các xe đạp điện, xe máy điện tại Việt Nam không được kiểm tra, kiểm soát về chất lượng.

VBF kiến nghị các cơ quan Chính phủ có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý người sử dụng xe điện, xe đạp điện vi phạm TTATGT. Đồng thời quản lý tốt chất lượng các loại xe này; nghiêm cấm tình trạng “độ” xe. T.S

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn