MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Độ mặn 4‰ vào sâu cách cửa sông Cửa Đại 36km, các địa phương ứng phó

Thành Nhân LDO | 08/02/2024 18:08

Trên sông Cửa Đại, độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách cửa sông 36km, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các đơn vị kịp thời tham mưu lựa chọn vị trí đắp đập tạm nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân trong mùa hạn mặn 2023-2024.

Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Bến Tre, trên sông Cửa Đại, độ mặn 4‰ đã xâm nhập đến ấp Long Hội (xã Long Định, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), cách cửa sông 36km. Ngoài ra, độ mặn 1‰ đã xâm nhập đến ấp 5 (xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), cách cửa sông 46km.

Còn trên sông Hàm Luông, độ mặn 4‰ xâm nhập đến ấp Mỹ Đức (xã Sơn Đông, TP Bến Tre) - ấp Thanh Sơn 3 (xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 50km. Bên cạnh đó, độ mặn 1‰ xâm nhập đến ấp Khánh Hội Đông (xã Tiên Thuỷ, huyện Châu Thành) - ấp Mỹ Sơn (xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 61km.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh khảo sát thực tế công tác phòng, chống hạn mặn trên địa bàn vào ngày 6.2.2024. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bến Tre

Trước tình hình trên, để cấp nước an toàn phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân, doanh nghiệp. Nhà máy nước An Hiệp (Khu công nghiệp An Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) có công suất khai thác 18.000m3/ngày/đêm, phục vụ cho Khu công nghiệp An Hiệp, Khu công nghiệp Giao Long, một phần thành phố Bến Tre, huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Tuy nhiên, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, từ Tết Nguyên đán Giáp Thìn mặn sẽ tăng cao và cao điểm xâm nhập mặn sẽ rơi vào cuối tháng 2 và tháng 3.2024.

Sau khi kiểm tra công tác phòng, chống hạn mặn vào ngày 6.2, dự báo hạn mặn sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam yêu cầu Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre cần tiếp tục phối hợp với các ngành hữu quan nắm bắt diễn biến hạn mặn để chủ động ứng phó. Đồng thời, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh Bến Tre lựa chọn vị trí đắp đập tạm nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân trong mùa hạn mặn 2023-2024.

Người dân ở huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) tích trữ nước để ứng phó với mặn tấn công. Ảnh: Thành Nhân

Còn tại Tiền Giang, để đối phó xâm nhập mặn năm 2024, vừa qua UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành chỉ thị số 16 về việc phòng chống hạn, xâm nhập mặn và cháy rừng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo chỉ thị này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra và lập kế hoạch duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình ngăn mặn, dẫn và trữ nước ngọt, để chủ động đáp ứng kịp thời công tác ngăn mặn, dẫn và trữ nước ngọt, chủ động đáp ứng kịp thời công tác phòng chống hạn và xâm nhập mặn; đặc biệt, các huyện phía Đông phải chủ động lập kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, cháy rừng vào mùa khô 2023 - 2024 chi tiết. Cụ thể cho từng vùng, từng khu vực dự án, từng địa phương, đơn vị để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xấu xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang phải chuẩn bị tốt công tác đảm bảo nguồn nước đối với các trạm cấp nước bị ảnh hướng khi hạn, mặn kéo dài: nạo vét các ao chứa và chủ động bơm bổ cấp nguồn nước để tăng khả năng trữ ngọt; theo dõi liên tục độ mặn trên sông để đảm bảo nước bổ cấp vào ao trữ nước theo chuẩn quy định.

Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt công tác bảo trì, bảo dưỡng máy móc, các thiết bị, hóa chất dự phòng..; bảo trì các giếng khoan dự phòng để sẵn sàng vận hành bơm bổ cấp nguồn nước cấp cho người dân ở khu vực TP Mỹ Tho và các huyện phía Đông khi nguồn nước mặt có độ mặn vượt quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, nâng cấp, cải tạo hệ thống tuyến ống cấp nước hiện hữu để tiếp nhận, phân phối nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm đến các trạm trên địa bàn các huyện phía Đông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn