MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giải cứu đoàn cán bộ Sở GTVT tỉnh Quảng Trị mắc kẹt trên ụ nổi ở đập tràn. Ảnh: HT.

Đoàn cán bộ Sở GTVT gặp sự cố: Vì sao đi làm bằng tàu của doanh nghiệp?

HƯNG THƠ LDO | 27/10/2021 16:31

Quảng Trị - Một ngày sau khi sự cố xảy ra, các cán bộ của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị được ứng cứu vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Trần Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị đã kể lại quá trình tàu gặp sự cố, và nói rằng bản thân là trưởng đoàn, nhưng “sơ suất” khi không ai trong đoàn mặc áo phao.

Đoàn cán bộ đi làm nhiệm vụ gì?

Như đã thông tin, vào ngày 26.10, chiếc tàu của doanh nghiệp chở 4 cán bộ Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị cùng 4 người của doanh nghiệp gặp nạn trên sông Thạch Hãn. 7 người mắc kẹt ở giữa ụ nổi của đập tràn được giải cứu, 1 người mất tích chưa được tìm thấy.

4 cán bộ Sở GTVT tỉnh Quảng Trị nhảy khỏi tàu bị nạn và leo lên được ụ nổi ở giữa đập tràn. Ảnh: HT.

Trước câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động về việc đoàn cán bộ đi làm nhiệm vụ gì, tại sao lại dùng phương tiện của doanh nghiệp? Ông Trần Hữu Hùng – Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị cho biết: Đoàn cán bộ của Sở gặp sự cố vào ngày 26.10 khi đang thực hiện  công tác kiểm tra ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, mưa lũ khu vực miền Trung theo văn bản đã ban hành và kết hợp kiểm tra cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy nội địa của Công ty TNHH MTV Sơn Dũng Quảng Trị và Công ty TNHH MTV Nguyên Hà tại khu vực thượng lưu Đập Tràn, sông Thạch Hãn.

Trước khi thực hiện 2 nhiệm vụ trên, đã có các công điện của Bộ GTVT ngày 24 và 25.10; công điện của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị vào ngày 25.10 và văn bản của Sở Giao thông vận tải ngày 25.10; đơn đề nghị của Công ty TNHH MTV Sơn Dũng Quảng Trị và Công ty TNHH MTV Nguyên Hà.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đoàn đi bằng phương tiện ôtô. Sau khi kiểm tra trên bộ, đoàn công tác kết hợp kiểm tra hiện trường tại Bến thủy nội địa của 2 công ty trên. Các hoa tiêu ở bến bãi thì đáp ứng, còn vùng nước để quay tàu ở bến thì có hiện tượng bồi lấp do ảnh hưởng các đợt lũ lụt. Để đảm bảo các điều kiện cấp phép lại, cần kiểm tra đo đạc thêm độ sâu vùng nước trước bến.

Các lực lượng cứu hộ tiếp cận những người mắc kẹt giữa đập. Ảnh: HT.

“Anh em trong đoàn thực hiện 2 nhiệm vụ một lúc. Do luồng lệch có biến đổi, các thành viên trong đoàn cũng thiện chí đi kiểm tra nên mới lên tàu của doanh nghiệp. Nhưng sơ suất là không mang áo phao, đó là lỗi lớn nhất và cũng không may mắn khi tàu có sự cố” – ông Trần Hữu Hùng, cho hay.

Lời kể của người trên chiếc tàu gặp nạn

Ông Trần Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị - trưởng đoàn cán bộ gặp sự cố trên sông Thạch Hãn kể rằng, đoàn lên tàu vào khoảng 9h40 ngày 26.10 để ra vị trí kiểm tra cách bờ khoảng 30m. Khi tàu vừa rời bờ phía xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) di chuyển sang phía bờ xã Triệu Thượng khu vực thượng lưu Đập Tràn thì tàu có hiện tượng trục trặc máy.

“Chiếc tàu chở đoàn 8 người gặp sự cố trôi về phía đập tràn. Mọi người trên tàu đi về phía mũi tàu thống nhất đến ụ nổi thì nhảy. Sự việc diễn ra trong khoảng 2 phút thôi, nên không ai kịp suy nghĩ đến các vấn đề khác” – ông Sơn, kể.

Ông Trần Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị được ứng cứu, đưa vào bờ. Ảnh: HT.

Người đầu tiên nhảy khỏi tàu là ông Nguyễn Đức Thành – Phó trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị. “Tôi đề nghị mọi người cởi giày, cởi áo ngoài. Nhưng tôi lại mang cả giày và áo rồi nhảy đầu tiên. Từ tàu vào đến ụ nổi khoảng 3 mét. Tôi nhảy xuống nước, ướt hết nhưng bám và leo lên được ụ” – ông Nguyễn Đức Thành, cho hay.

Khi ông Thành nhảy, trừ ông Hoàng Đức V (47 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyên Hà và lái tàu, thì 5 người đều nhảy theo và leo lên được ụ nổi. “Anh em ai cũng nghĩ là ông V. ở trên tàu. Nhưng sau đó nghe lái tàu nói, ông V. nhảy xuống nhưng không bám được, trôi theo nước rồi” – ông Sơn, nhớ lại.

Ông Sơn nói rằng, từ lúc xảy ra sự cố đến nay, rất mệt và buồn, nhưng không ngủ được. “Bản thân tôi là trưởng đoàn, nhưng rất sơ suất khi để cả đoàn lên tàu mà không có áo phao cứu hộ” – ông Sơn, nói.

Liên quan đến sự cố tai nạn nói trên, ngày 27.10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, đã giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai công tác tìm kiếm nạn nhân bị mất tích; tổ chức điều tra nguyên nhân sự cố để đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo xử lý đúng quy định pháp luật; Sở Giao thông vận tải báo cáo cụ thể kế hoạch kiểm tra công tác phòng chống lụt bão trên các tuyến đường thủy nội địa, làm rõ nguyên nhân sự cố và kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có); đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các nội dung vượt thẩm quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn