MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm bơm nước thô từ sông Lam của Công ty TNHH MTV Cấp nước Sông Lam. Ảnh: PV

Doanh nghiệp bán nước thô "thổi giá", dân chịu giá nước cao

HẢI ĐĂNG - TRẦN LỘC LDO | 10/08/2019 06:47

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp nước Sông Lam bán giá nước thô với mức 1.950 đồng/m3, đẩy giá nước sạch lên cao, trong khi một doanh nghiệp khác đề xuất dự án nước thô công suất lớn hơn với mức giá chỉ 600 đồng/m3.

Có nhiều mức giá nước thô và nước sạch trên địa bàn TP Vinh đã khiến nhiều người đặt câu hỏi "đâu là mức giá chuẩn?"

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp nước Sông Lam (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Tuấn Lộc) xây dựng dự án Trạm bơm nước Sông Lam với tổng mức đầu tư theo doanh nghiệp này kê khai là 496 tỉ đồng.

Công ty này bán nước thô cho Công ty Cổ phần cấp nước Nghệ An với mức giá 1.950 đồng/m3.

Cho rằng mức giá nói trên quá cao, Công ty Cổ phần cấp nước Nghệ An đã bơm nước sông Đào về để sản xuất nước sạch, với giá 900 đồng/m3. Tuy nhiên, việc làm này bị dư luận phản ứng vì cho rằng nước sông Đào ô nhiễm.

Nhà máy nước Hưng Vĩnh thuộc Công ty CP cấp nước Nghệ An.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công ty cấp nước Nghệ An dừng việc lấy nước sông Đào về sản xuất nước sạch.

Trước thực trạng nói trên, ngày 31.7.2019, Công ty Cổ phần cấp nước Nghệ An đã có tờ trình gửi Bí thư – Chủ tịch tỉnh Nghệ An, đề xuất xây dựng dự án hệ thống cung cấp nước thô cho các nhà máy nước Hưng Vĩnh và Cầu Bạch, công suất 275.000m3/ngày đêm.

Tổng mức đầu tư dự án này là 187,5 tỉ đồng, bán nước thô với giá 600 đồng/m3. Với mức giá nước thô này, giá nước sạch chỉ khoảng 8.800 – 9.000 đồng/m3 (thay vì 10.800 đồng/m3 như hiện nay).

Như vậy, dự án cấp nước thô của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp nước Sông Lam có công suất thấp hơn (200.000m3/ngày đêm), nhưng lại có mức đầu tư gấp hơn 2,6 lần, và giá nước cao hơn 3,25 lần so với dự án của Công ty cấp nước Nghệ An.

Sự so sánh nói trên dẫn đến nhiều ý kiến cho rằng có sự không trung thực trong kê khai tổng mức đầu tư của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp nước Sông Lam để “thổi” giá nước.

Liên quan đến thông tin nói trên, trả lời báo chí, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, phía Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp nước Sông Lam không cung cấp các hồ sơ chứng minh đã đầu tư bao nhiêu vào dự án hệ thống cung cấp nước thô, mặc dù tỉnh đã yêu cầu.

Tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán dự án nói trên, tuy nhiên đã bị từ chối do đây không phải là dự án đầu tư từ ngân sách.

Ông Lê Hồng Vinh cũng nêu quan điểm ủng hộ doanh nghiệp đầu tư dự án hệ thống cung cấp nước thô khác, để đa dạng nguồn cung và bảo đảm tính cạnh tranh.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp nước Sông Lam cho rằng hiện công ty đang kinh doanh thua lỗ. Nếu thực hiện đúng theo phương án tài chính như tỉnh Nghệ An đã chấp thuận ban đầu và công ty cấp nước Nghệ An cũng thực hiện đúng thỏa thuận đã ký trước đây thì công ty mới có lợi nhuận để trả lãi vay ngân hàng, hiện công ty phải vay ngoài để trả lương cho nhân viên.

Chưa được chấp thuận chủ trương, đã làm giá nước

Trước đó, mặc dù dự án cấp nước thô chưa được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng ngày 25.11.2014, Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An và Công ty Cổ phần Đầu tư Tuấn Lộc đã  ký biên bản làm việc đưa ra giá nước thô là 1.950 đồng/m3.  

Gần 1 tháng sau, ngày 22.12.2014, UBND tỉnh Nghệ An mới ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án hệ thống cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại TP Vinh cho Công ty Tuấn Lộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn