MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ Nam Dương.

Doanh nghiệp cần lập kế hoạch nâng cao tay nghề cho người lao động

LƯƠNG HẠNH LDO | 05/08/2021 10:00

Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung liên quan đến việc nâng cao tay nghề cho người lao động từ nguồn kinh phí của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, các địa phương cần vận động doanh nghiệp lập kế hoạch đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động từ nguồn kinh phí 4.500 tỉ đồng của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Nỗ lực vì người lao động

Ngày 5.8, tại cuộc họp trực tuyến với 63 điểm cầu trong cả nước về tình hình thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã chủ trì và nêu ra nhiều nội dung quan trọng.

Theo ông Dung, Đảng và Nhà nước luôn kiên định thực hiện các giải pháp thực hiện các mục tiêu kép một cách linh hoạt. Theo đó, nơi nào an toàn thì tập trung sản xuất, nơi nào có dịch thì tập trung chống dịch, đặt mục tiêu lớn nhất về an toàn tính mạng, sức khỏe và đời sống của người dân lên hàng đầu. Đến nay, 63/63 địa phương đã ban hành các quyết định chính sách thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Toàn quốc đã đạt những kết quả tương đối tốt, nhóm chính sách giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành.

Nhiều doanh nghiệp lo thiếu hụt lao động sau dịch do công nhân không trở lại làm việc. Ảnh minh hoạ Nam Dương

Nhiều địa phương đã triển khai giải ngân với số tiền lớn, như Hải Dương giải ngân tới 107 tỉ đồng, Bắc Ninh 75 tỉ đồng, Bắc Giang 63 tỉ đồng, Thanh Hóa 74 tỉ đồng, Thái Nguyên 57 tỉ đồng…

Ông Dung cho rằng, nhìn tổng quát, các chính sách ban hành thời gian qua, nhất là gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đang được triển khai đúng hướng, thiết thực, đúng đối tượng, dễ triển khai. Đối tượng thụ hưởng dễ dàng tiếp cận chính sách hơn, dễ triển khai.

Vận động DN lập kế hoạch đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ

Phát biểu tại hội nghị, ông Dung yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trong Bộ và các địa phương phải tư duy tìm ra cách làm mới, năng động sáng tạo; phối hợp chặt chẽ với các ngành để triển khai theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian nhằm hỗ trợ tối đa, nhanh nhất cho người lao động.

Bộ trưởng nhấn mạnh không được tăng thời gian về xử lý quy trình, những vấn đề thuộc thẩm quyền ngành LĐTBXH phải xử lý ngay phân cấp triệt để. Đồng thời đề xuất việc phân nhóm các địa phương để dễ triển khai hỗ trợ theo chính sách. 

Cụ thể, nhóm các địa phương không có dịch cần phấn đấu trong 10 ngày triển khai xong các nhóm chính sách hỗ trợ về BHXH và tiền mặt, trừ chính sách vay hỗ trợ đào tạo, ví dụ như Lạng Sơn, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Quảng Ninh… Với nhóm địa phương có dịch, nhưng chưa thuộc diện áp dụng phong tỏa theo Chỉ thị 16 cần vận động xúc tiến nhanh việc hỗ trợ tiền mặt, BHXH và cho vay trả lương. 

Doanh nghiệp cần chủ động tuyển dụng lao động và động viên người lao động quay trở lại làm việc. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhóm thứ 3 là 26 tỉnh đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, điều cần thiết nhất là hỗ trợ ăn, mặc cho người lao động. Bên cạnh đó, các địa phương cần vận động doanh nghiệp lập kế hoạch đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động từ nguồn kinh phí 4.500 tỉ đồng của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. 

Theo Bộ trưởng, các địa phương cần giải thích cho chủ doanh nghiệp hiểu rõ về chính sách, đặc biệt là chính sách vay vốn trả lương và phục hồi sản xuất. Với chính sách hỗ trợ nhóm lao động tạm dừng hợp đồng lao động, nhiều doanh nghiệp bị phong tỏa nên trong lúc khó khăn địa phương cần chủ động trong công tác hỗ trợ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn