MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động xuất khẩu đang có nhiều tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp bắt đầu đón hàng loạt đơn hàng mới. Ảnh: Cường Ngô

Doanh nghiệp kín đơn hàng, xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực khởi sắc

Cường Ngô LDO | 05/03/2024 09:12

Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Sau thời gian ảm đạm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, gỗ và lâm sản… đã dần khởi sắc khi tăng trưởng với mức hai con số.

Tăng công suất, tuyển mới hàng nghìn công nhân

Không khí làm việc của các tổ may tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG luôn hối hả như cả người và máy cùng chạy đua nước rút. Dù vất vả, nhưng ai cũng biết rằng, có được đơn hàng lúc này là... vui như Tết.

Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, nhiều đối tác lớn đã bán hết hàng tồn kho nên công ty đã ký được các đơn hàng may xuất khẩu với nhiều đối tác như Decathlon, Columbia, The Children’s Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas…

Đặc biệt, hãng Decathlon đang tăng cường đặt hàng nhằm phục vụ Thế vận hội Olympic mùa hè diễn ra trong tháng 6.2024 tại Pháp. Chúng tôi hiện là nhà sản xuất lớn nhất cho ngành hàng quần áo dệt thoi trên toàn cầu của Decathlon, với doanh thu hằng năm đạt trên 100 triệu EUR.

“Trong năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân, bắt đầu từ tháng 3.2024” - ông Thời nói.

Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực da giày - cũng cho hay, gần đây doanh nghiệp nhận được hàng loạt đơn hàng của các đối tác lớn trên thế giới và đã có đơn hàng đến hết tháng 6. Để đáp ứng kịp cho các đơn hàng xuất khẩu, tại các nhà máy của công ty, công nhân đang được huy động tăng ca trong cả 5 ngày/tuần, mỗi ngày tăng thêm 2 - 2,5 tiếng.

Theo ông Trung, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp tập trung mở rộng các thị trường nhỏ, tìm kiếm các thị trường mới.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam - cho hay, tính đến 15.2, xuất khẩu giày dép của cả nước đã đạt hơn 2,46 tỉ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp liên tục tuyển dụng công nhân trở lại để đẩy nhanh tiến độ sản xuất sau giai đoạn phải cắt giảm. Theo bà Xuân, hiện tại, xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu chính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là thị trường Trung Quốc đều có sự tăng trưởng. Đây là tín hiệu rất tích cực đối với ngành giày dép sau thời gian đối mặt với tình trạng “đói” đơn hàng và nhu cầu suy giảm mạnh.

Với ngành thuỷ sản, bà Trần Thụy Quế Phương - Chánh Văn phòng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, trong tháng 1, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Những mặt hàng chủ lực đều có sự bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, xuất khẩu tôm đạt 242 triệu USD, cá tra đạt 165 triệu USD, cá ngừ 79 triệu USD...

Về thị trường, theo đại diện VASEP, Trung Quốc và Hồng Kông là thị trường quan trọng của thủy sản Việt Nam (với kim ngạch hơn 118 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái), sau đó là Mỹ (với kim ngạch đạt 111 triệu USD), Nhật Bản, châu Âu tăng...

Đại diện VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản có thể sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm, kết quả cả năm sẽ tăng trưởng so với năm ngoái, đạt khoảng 9,5 tỉ USD.

Cân bằng, đa dạng thị trường

Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhận định, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn là động lực quan trọng không chỉ trong thập kỷ này mà cả trong thập niên tới.

Vì vậy, ông Lâm đề xuất các cơ quan chức năng cần khẩn trương nắm bắt các ngành, lĩnh vực nào sẽ trở thành xu hướng phát triển của kinh tế thế giới thời gian tới để đưa kinh tế Việt Nam hòa vào dòng chảy, thuộc nhóm đi tiên phong trên một số lĩnh vực của kinh tế thế giới.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA (Hiệp định Thương mại tự do) để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các FTA.

“Bộ Công Thương sẽ tăng cường hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Đồng thời xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu” - ông Hải nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn