MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bỏ hẳn dịch vụ cưỡi voi, doanh nghiệp lẫn các nài voi đều lâm vào cảnh khốn đốn. Ảnh: Bảo Trung

Doanh nghiệp, nài voi điêu đứng vì doanh thu giảm sâu, chưa nhận tiền chế độ khi bỏ cưỡi voi

BẢO TRUNG LDO | 13/10/2023 15:29

Đắk Lắk - Sau 9 tháng bỏ dịch vụ du lịch cưỡi voi, doanh nghiệp lẫn các nài voi ở huyện Buôn Đôn lâm vào cảnh điêu đứng, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, trong khi tiền chế độ vẫn chưa được thụ hưởng.

Ngày 13.10, trao đổi với Lao Động, lãnh đạo Chi nhánh dịch vụ khách sạn Biệt Điện (đơn vị quản lý Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) - cho biết: Sau hơn 9 tháng chính thức bỏ khai thác dịch vụ du lịch cưỡi voi, doanh thu lẫn lượng khách du lịch đến Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn giảm sâu.

Cụ thể, lượng khách du lịch đến trung tâm giảm đến hơn 50%, doanh thu trong tháng cao điểm từ tháng 6 đến 9 chỉ đạt từ 60 đến 70% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhìn chung, đơn vị chấp nhận bỏ dịch vụ cưỡi voi (theo chỉ đạo của UBND tỉnh - PV) và cũng đã lường trước những hệ lụy có thể xảy ra, nhưng với việc doanh thu giảm quá sâu có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh lẫn thu nhập của người lao động, đặc biệt là các nài voi.

Được biết, Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn đang lâm vào tỉnh cảnh khó khăn nhất từ khi thành lập đến nay. Thậm chí ngay trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, đơn vị vẫn có thể chủ động cân đối ngân sách, sẵng sàng hoạt động khi tình hình được kiểm soát, nhờ đó hoạt động kinh doanh vẫn tương đối ổn định.

Trước đó, đầu năm 2023, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án có nguồn kinh phí hơn 55,4 tỉ đồng (tức 2.430.000 USD) do Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation - AAF) tài trợ để chấm dứt nạn "cưỡng bức" lao động ở loài voi.

Mục tiêu của việc triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi nhằm chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi loài vật này và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà; duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh.

Địa điểm thực hiện dự án tại huyện Buôn Đôn (Vườn quốc gia Yok Đôn, trung tâm; các công ty du lịch đang hoạt động trên địa bàn huyện) và huyện Lắk (Ban Quản lý rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk).

Đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ. Chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi.

Theo lãnh đạo Chi nhánh dịch vụ khách sạn Biệt Điện: Đến thời điểm hiện tại, đơn vị lẫn các chủ nài voi vẫn chưa nhận được đồng nào từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn của Tổ chức Động vật châu Á. Mong rằng trong thời gian tới, cơ quan chức năng có thẩm quyền của địa phương sớm duyệt chi để các nài voi giải quyết được khó khăn trước mắt.

Hiện, để giải quyết khó khăn cho các nài voi khi bỏ dịch vụ cưỡi voi, doanh nghiệp đã hỗ trợ xăng xe 100.000 đồng/người/ngày bên cạnh việc chu cấp thức ăn cho loài động vật này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn