MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Hương Trần Kiều Dung khẳng định, FLC hiện quan tâm đặc biệt tới tỉnh Đắk Nông - địa phương còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Doanh nghiệp nhắm “đất vàng”: Tây Nguyên tăng cơ chế ràng buộc

Hữu Long LDO | 16/01/2019 12:02
Với lợi thế sẵn có, "đất vàng" ở Tây Nguyên tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông được nhiều doanh nghiệp quan tâm, trong đó có tập đoàn FLC nhắm đến đầu tư.  Trước cam kết triển khai các dự án, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cam kết tạo điều kiện, trải thảm đỏ nhưng không quên “trói buộc” trách nhiệm doanh nghiệp.  

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông vừa qua, đại diện Tập đoàn FLC thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới tỉnh Đắk Nông -  địa phương còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Trong số những dự án mà tập đoàn FLC nghiên cứu có nhiều dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Tà Đùng tại nơi được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long” của Tây Nguyên…

Hồ Tà Đùng là địa điểm được Tập đoàn FLC quan tâm, khảo sát đầu tư tại Đắk Nông trong thời gian qua.

Tập đoàn FLC khẳng định việc đầu tư của đơn vị vào tỉnh Đắk Nông sẽ phù hợp với “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” theo quyết định của Thủ tướng trước đó. Theo đó, việc đầu tư sẽ lấy du lịch sinh thái và du lịch văn hóa làm nền tảng, cốt lõi để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh Tây Nguyên.

Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, bà Hương Trần Kiều Dung - Tổng giám đốc Tập đoàn FLC giải thích, việc chậm triển khai một số dự án là do thủ tục đầu tư bị chậm.

Theo bà Dung, hiện nay các dự án này đang vướng vào các thủ tục đầu tư từ quy hoạch cho đến khi ra được chủ trương đầu tư. Đó là chưa kể các dự án này còn phải mất từ gần 2 năm mới giải phóng mặt bằng...

“Đối với những dự án lớn, quy trình đầu tư một dự án thường phải xin ý kiến Thủ tướng về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch. Còn đối với các dự án nhanh thì FLC sẽ triển khai ngay…” – bà Dung nói.

Đắk Nông là địa phương còn nhiều khó khăn. Việc thu hút đầu tư từ lâu được lãnh đạo tỉnh xem là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

Tuy vậy, lãnh đạo tỉnh này cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp khi đầu tư vào đây cũng phải thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, chính quyền.

Quá trình đầu tư, Đắk Nông cũng sẽ có nhiều quy định ràng buộc, tránh trường hợp doanh nghiệp chiếm hữu đất, lãng phí tài nguyên.

Ông Trần Xuân Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông thông tin, tập đoàn FLC từng nhiều lần khảo sát một số khu vực tiềm năng để xin đầu tư tuy vậy, đến  nay chưa có một dự án của FLC có chủ trương chính thức.

“Theo Luật Đầu tư mới, khi địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các tập đoàn lớn, việc đầu tiên là phải thẩm định về vốn của nhà đầu tư, yêu cầu các nhà đầu tư ký quỹ.

Khi các doanh nghiệp đã có chủ trương đầu tư, Đắk Nông sẽ cho thời hạn thực hiện dự án. Nếu hết thời hạn mà nhà đầu tư không triển khai thì chúng tôi sẽ thu tiền ký quỹ và thu hồi dự án…”  - ông Hải thông tin.

Còn tại Đắk Lắk, ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk xác nhận, tỉnh đã đồng ý chủ trương cho FLC khảo sát đầu tư đối với dự án Tổ hợp du lịch sinh thái, vui chơi giải trí và sân golf, resort tại hồ Ea Nhái.

Theo ông Nghị, tỉnh Đắk Lắk sẽ trải thảm mời gọi Tập đoàn FLC đầu tư, nhưng việc lựa chọn nhà thầu sẽ được hiện theo hình thức đấu thầu.

“Tỉnh Đắk Lắk sẽ tạo điều kiện tối đa về các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật” -  Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị nói.

Trước Đắk Lắk, Đắk Nông, tập đoàn FLC đã khảo sát một số dự án tại Gia Lai và được tỉnh này giao gần 3.000ha đất vàng để thực hiện các dự án khu đô thị, khu nghỉ dưỡng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn