MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp trông chờ vào trung tâm logistics tại TP.Buôn Ma Thuột

BẢO TRUNG LDO | 01/04/2023 13:19

Đắk Lắk - UBND tỉnh Đắk Lắk đang muốn triển khai việc đầu tư, xây dựng Trung tâm logistics, công nghiệp công nghệ cao gắn với nghiên cứu sinh học và công nghệ chế biến nông lâm sản trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột, đây là kế hoạch lớn, dù tính khả thi cao nhưng cần triển khai bài bản, kỹ lưỡng.

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định về việc thực hiện Kế hoạch hoàn thiện kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp và triển khai thành lập khu chức năng: Trung tâm logistics, công nghiệp công nghệ cao gắn với nghiên cứu sinh học và công nghệ chế biến nông lâm sản trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hình thành, đầu tư Trung tâm logistics, công nghiệp công nghệ cao gắn với nghiên cứu sinh học và công nghệ chế biến nông lâm sản trên địa bàn thành phố, phát huy các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa, phát triển các loại hình dịch vụ và những khu dịch vụ chức năng khác.

Theo kế hoạch này, tỉnh hoàn thành hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào các Cụm công nghiệp Tân An 1, Tân An 2... theo hướng nâng cao trình độ khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa đầu ra, tiết kiệm vật tư, năng lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường để có hàm lượng giá trị sản xuất công nghiệp cao.

Tỉnh thành lập thêm Cụm công nghiệp Hòa Xuân, đảm bảo việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật có đủ năng lực kinh nghiệm và tài chính và sử dụng công nghệ tiên tiến ít ảnh hưởng đến môi trường...

Liên quan đến nội dung này, ông Phạm Đông Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ôtô An Phước (doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực logistics tại địa phương) nhận định: "Lâu nay địa phương thiếu quan tâm, quy hoạch hạ tầng để đầu tư phát triển hệ thống logistics một cách bài bản. Tỉnh vốn là vùng nông sản, nguyên liệu lớn của cả nước nhưng quá trình doanh nghiệp thu mua, vận chuyển, tập kết các mặt hàng về cảng biển để xuất khẩu thì vẫn còn rất thiếu.

Đặc biệt, địa phương vẫn chưa có khu vực tập kết để vận chuyển các container, chuyển hàng từ nơi sản xuất đến cảng xuất khẩu và ngược lại. Hiện, các doanh nghiệp tại địa phương phải qua nhiều lần trung chuyển từ việc giao nhận, bốc xếp hàng hóa vẫn còn làm một cách thủ công, dẫn đến hao hụt tốn kém rất nhiều kinh phí trung gian".

Một lô hàng nông sản ở Đắk Lắk trên đường vận chuyển để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Bảo Trung

Theo ông Thanh: Tới thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics ở tỉnh mới chỉ tham gia vào công đoạn vận chuyển hàng, còn việc đầu tư kho bãi, giao nhận hàng hóa chuyên nghiệp vẫn chưa thực hiện được. Nếu tỉnh làm được một trung tâm logictics, công nghiệp công nghệ cao  sẽ giảm được chi phí, qua đó tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa nông sản của địa phương.

Ví như, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê tại Đắk Lắk đang chịu phí vận chuyển 2 chiều. Họ lấy thùng container rỗng từ cảng biển lên Buôn Ma Thuột và chất hàng lên rồi vận chuyển ngược về lại. Nếu có đại diện hãng tàu tập kết kho bãi, chứa container rỗng để doanh nghiệp địa phương đóng hàng tại Buôn Ma Thuột rồi vận chuyển thẳng đi xuất khẩu sẽ tiết kiệm được rất nhiều. 

"Với những lợi thế, tiềm năng sẵn có tại địa phương, mục tiêu nói trên của UBND tỉnh là khả thi, hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có sự đầu tư bài bản, phối hợp hài hòa giữa chính quyền và doanh nghiệp. Tất nhiên, đây là mục tiêu lớn, tốn kém và sẽ có nhiều khó khăn thách thức nhưng tôi tin nếu quyết tâm thì địa phương hoàn toàn có thể làm được", ông Thanh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn