MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phòng chờ bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) vẫn vắng khách. Ảnh: ĐT

Doanh nghiệp vận tải "khó chồng khó"

Đặng Tiến LDO | 28/10/2021 15:27

Sau 2 tuần Hà Nội mở lại vận tải khách liên tỉnh, các nhà xe luôn trong cảnh “đói” khách và đối diện nguy cơ tạm dừng do không đủ khả năng bù lỗ. Và từ 16h ngày 26.10, giá xăng trong nước tăng mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp vận tải khó khăn lại chồng khó khăn...

Càng chạy càng lỗ

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - ông Đào Việt Long, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GTVT, sở đã xây dựng kế hoạch mở lại vận tải khách liên tỉnh, không ban hành tiêu chí riêng. Sở cũng lấy ý kiến thỏa thuận với 6 tỉnh, thành phố cho phép mở lại tần suất 5% số chuyến của doanh nghiệp trong thời gian qua. Tuy vậy, hai tuần thực hiện thí điểm cho thấy, hoạt động vận tải khách liên tỉnh vẫn còn ảm đạm, hành khách đi lại rất ít.

Thống kê từ 13-23.10, Hà Nội có 82 chuyến xe, vận chuyển hơn 3.300 hành khách, hay như Hải Dương có 23 phương tiện hoạt động trở lại với số lượng chỉ 28 hành khách.

Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (sở hữu hãng xe Sao Việt  chạy tuyến Hà Nội -  Lào Cai) cho hay, ngày 27.10, đơn vị bắt đầu chạy 5 chuyến nhưng mỗi xe chỉ được 7-10 hành khách. Và nếu đi Hà Nội - Lào Cai mà không đủ 20 khách/xe/chiều, xe càng chạy sẽ càng lỗ vốn.

Đại diện Sở GTVT Thái Nguyên cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 2.100 DN, hộ kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hoạt động vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng và cũng có nhiều DN phải tạm dừng hoạt động do nhu cầu đi lại liên tỉnh của người dân hiện nay vẫn rất thấp, trong khi đó, giá xăng dầu lại tăng cao nên nhiều DN chưa tính đến việc khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh.

Còn đại diện Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan thông tin, khoảng 6 tháng trở lại đây, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh của đơn vị  (chiếm khoảng 70% doanh thu) phải dừng. Hiện đơn vị chỉ duy trì 160 đầu xe (trong tổng số hơn 300 đầu xe) và nhiều tháng nay, hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ, nếu giá xăng tăng cao như thế này thì chắc chắn càng hoạt động càng thua lỗ.

Ông Nguyễn Bùi Thái - Nhà xe Đất Chè chạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên cho biết, từ ngày 23.10 đến nay đơn vị bắt đầu nối lại việc chạy khách liên tỉnh, nhưng chuyến nào cao nhất được 3 khách và nhiều chuyến phải chạy rỗng. Trong khi đó, giá xăng liên tục tăng như vậy, doanh nghiệp càng chạy càng lỗ.

Không thể tăng giá cước

Theo ông Đỗ Văn Bằng, trong điều kiện khách không có, nhà xe cũng không thể tăng giá được. Khi người dân đang rất khó khăn mà giá xăng lại tăng, để cầm cự và giữ tuyến thì doanh nghiệp buộc vẫn phải chạy xe. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo liên Bộ Tài chính - Công Thương xả quỹ bình ổn giá xăng dầu để giữ thị trường, tránh lạm phát giá vì xăng dầu quyết định lớn đến các ngành kinh tế khác. Cùng đó, Chính phủ cũng cần phải giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, hiện Hà Nội mới cho xe taxi hoạt động chở lại với tần xuất 50% số phương tiện và 50% số chỗ ngồi. Trong khi đó lượng khách hiện tại chỉ đạt từ 15%-20% so với trước dịch và hiện các doanh nghiệp taxi của Hà Nội cũng mới chỉ đưa ra được khoảng 45%-50% số phương tiện để phục vụ vì không có lái xe. Việc đứt gãy chuỗi lao động này do thời gian giãn cách kéo dài nên lái xe đã chuyển nghề khác ổn định tại các địa phương.

Trước việc giá xăng dầu tăng cao, các doanh nghiệp cần phải điều chỉnh để làm sao giữ được mạch vận tải thông suốt, theo đó các doanh nghiệp vận tải sẽ phải thắt chặt chi phí, chứ không thể tăng giá. Dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 và kéo dài gần 4 tháng nay khiến các địa phương cũng đã bị đứt gãy chuỗi liên kết vì mỗi địa phương có một quy trình kiểm soát dịch khác nhau. Do đó, Quỹ bình ổn xăng dầu và Bộ Công Thương phải có một chiến lược dài hơi, thậm chí cần có sự cảnh báo thị trường để các DN và người dân biết về mức độ, biên độ tăng giảm theo từng thời điểm.

“Hiện giá xăng dầu tăng thì phi mã mà giảm nhỏ giọt, đẩy DN vào trạng thái buộc phải điều chỉnh giá cước, mà điều chỉnh giá cước cao quá thì người dân không chịu được. Do đó, DN vận tải và người phải gánh chịu khó khăn đầu tiên”, ông Hùng cho hay.

Không thể tăng giá cước buộc DN phải hỗ trợ cho người lao động để bù lỗ và bán bớt phương tiện thu hẹp SXKD. Vì để giữ xe thì không có lao động và xe chạy cũng không hiệu quả khi dịch bệnh mới được kiểm soát, giá xăng tăng kéo theo giá cước tăng thì nhu cầu đi lại của người dân sẽ giảm.

Theo đại diện taxi Mai Linh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 toàn bộ số xe của hãng phải nằm bãi, ngoài việc vẫn phải trả lãi ngân hàng, chi phí bảo trì bảo dưỡng xe nhưng khi vận hành lại phương tiện buộc phải duy tu bảo dưỡng lại và phần lớn là phải thay ắc quy, trung bình mỗi chiếc 2.000.000 đồng. Giờ vừa được phép hoạt động trở lại, chưa kịp hồi phục thì giá xăng lại tăng khiến DN vận tải khó chồng khó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn