MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Độc đáo người nông dân nuôi ong để lấy... dưa

SỞ HẠ LDO | 25/04/2020 11:12
Thông thường, việc nuôi ong mật với mục đích chính là để khai thác mật. Tuy nhiên, ông Võ Văn Trưng ở ấp Tân Long, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã có cách làm sáng tạo: Nuôi đàn ong mật với mục đích chính là sử dụng chúng làm “bà mối” thụ phấn giúp tăng năng suất cho vườn dưa lưới của mình. 

Là người tiên phong làm dưa lưới đầu tiên ở Hậu Giang, ông Trưng cho biết: Trước đây, để thụ phấn cho dưa lưới, ông phải làm thủ công bằng cách thuê mướn nhân công dùng phấn nhụy hoa đực úp nụ lên hoa cái. Cách làm này vừa tốn thời gian, nhân lực, vừa không đảm bảo kịp trong kỳ hạn hoa nở dẫn đến vườn dưa lưới khả năng đậu trái thấp.

Ong mật đang thụ phấn cho hoa dưa lưới. Ảnh: S.H

Sau khi tìm tòi học hỏi nhiều nơi và quan sát thực tế, ông Trưng tìm hiểu các phương pháp để có thể thụ phấn hoa một cách tự nhiên và hiệu quả nhất.

Nhận thấy trong tự nhiên ong mật có thể thụ phấn cho hoa, ông Trưng đã sử dụng chúng để thử thụ phấn cho dưa lưới, nhưng không thành công. Sau nhiều ngày quan sát, ông Trưng phát hiện do đàn ong bản địa ít hoạt động nên khả năng thụ phấn không cao.

Không vội bỏ cuộc, ông Trưng quay sang tìm hiểu thêm về nhiều loài ong khác. Phát hiện ở Đồng Tháp có nuôi một giống ong mật nhập ngoại có đặc điểm ngoại lai xuyên vận động. Tìm đến nơi bán ong, ông Trưng mua một tổ ong với giá bán 1.200.000 đồng về thử nghiệm với dây dưa lưới trên vườn của mình. Lần thử nghiệm đầu tiên cho thấy tỷ lệ hoa đạt trái rất cao.

Ông giúp cây dưa lưới bò lên dây. Ảnh: S.H

Nhờ thay đổi phương pháp và không ngừng tìm hiểu, áp dụng mô hình thụ phấn dưa lưới bằng ong mật, trong 5 vụ dưa lưới gần đây của ông Trưng, năng suất mỗi vụ đều tăng từ 15-20% so với trước. Nếu như trước đây, mỗi công dưa dao động từ 2,5 - 3 tấn trái thì với cách thụ phấn này năng suất dưa đạt gần 3,5 tấn. Ngoài ra mỗi vụ dưa ông còn tiết kiệm được vài triệu đồng từ việc thuê mướn nhân công thụ phấn hoa.

Những ruộng dưa được ông trồng luân phiên đảm bảo nguồn cung cấp nguyên năm. Ảnh: S.H

Ông Trưng chia sẻ kinh nghiệm: Để đạt trái hiệu quả nhất thì ngay bắt đầu hoa nở rộ ông cho đàn ong mật vào vườn thụ phấn liên tiếp khoảng 3 ngày. Mỗi tổ ong chỉ có thể thụ phấn cho 1.000m2, tức khoảng 2.500 dây dưa lưới. Sau khi thụ phấn xong, ông mang đàn ong ra khỏi vườn để nuôi dưỡng vài tuần, chờ đến vụ dưa khác.

Hiện tại hợp tác xã của ông Trưng đã mở rộng 18.000m2. Mỗi năm ông trồng được 4 vụ. Với diện tích trên, ông Trưng đang bắt đầu làm thêm tổ cho đàn ong sinh sản. Bên cạnh đó, ông cũng không quên tìm thị trường để bán mật từ đàn ong của mình.

Sắp tới ông bắt đầu trồng thêm 7.000 dây dưa lưới. Ảnh: S.H

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn